Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

1. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886) -- THƠ -- VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI, TÂM HỒN & TƯ TƯỞNG / tệp 1

NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 - 1886)

-- THƠ --

VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI,
TÂM HỒN & TƯ TƯỞNG


Trần Xuân An
(biên soạn, chú giải...)
& Nhiều tác giả



Xin tạ ơn ngọn bút,
biểu tượng của sự công chính và liêm khiết trí tuệ.
Xin yêu thương, trân trọng
và bảo vệ
từng dòng chữ mồ hôi nước mắt
của chất xám và trái tim.

TXA.





Kì Vĩ phụ chính đại thần
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 - 1886)
-- THƠ --
Vài nét về con người,
tâm hồn và tư tưởng

◘ Nnc. TRẦN VIẾT NGẠC ◘
sưu tầm, khảo luận sử học (thay lời giới thiệu)
◘ Nnc. TRẦN ĐẠI VINH ◘ Nnc. VŨ ĐỨC SAO BIỂN ◘
phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, khảo luận sử học &
giới thiệu thi tập
◘ Gs. ĐOÀN QUANG HƯNG ◘ Ts. VÕ XUÂN ĐÀN ◘
khảo luận sử học
◘ Nnc. NGUYỄN TÔN NHAN ◘
phiên âm, dịch nghĩa
◘ Ts. NGÔ THỜI ĐÔN ◘
hiệu đính các bản dịch

◘ TRẦN XUÂN AN ◘
biên soạn
(khảo luận sử học, chú thích,
chuyển lại ngôn ngữ thơ…)






“… Nay ta cùng đại thần Tôn Thất Thuyết quanh quẩn,
còn ngươi là phụ chính đại thần
thì ở lại mà thương đàm.
Kẻ ở, người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân
làm căn bản;
đất trời cũng thật chứng giám …”.


HÀM NGHI (và TÔN THẤT THUYẾT),
mật dụ từ Tân Sở gửi NGUYỄN VĂN TƯỜNG,
ngày 02.06. Ất dậu, 1885.



“… Huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế,
thật là đau khổ quá chừng.
Nhân vật nước ta, những người
trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được …”.


HÀM NGHI (và TÔN THẤT THUYẾT),
mật dụ từ Tân Sở gửi hoàng tộc,
ngày 07.06. Ất dậu, 1885.




Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ:
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)

Trần Xuân An,
nội hậu duệ thế hệ thứ năm.





PHẦN THỨ NHẤT:

MỞ ĐẦU









Chân dung
Kì Vĩ phụ chính đại thần
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)





LỜI THƯA ĐẦU SÁCH


Không phải riêng chúng tôi, bất kì ai yêu chuộng công lí, có quyết tâm truy tìm và bảo vệ sự thật lịch sử, chắc hẳn sẽ rất xúc động khi đọc được Thi tập của Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886). Cảm xúc có tính lương tâm ấy cũng tương tự như lúc đọc về Nguyễn Trãi (thời Hậu Lê) và tác phẩm của ông. Tất nhiên bi kịch mỗi người mỗi khác.
Nguyễn Trãi với sự vu khống của bọn gian thần như một điển hình về bi kịch công thần. Dẫu sao, đó cũng chỉ là một khía cạnh…

Nguyễn Văn Tường với sự vu khống của bọn thực dân, “tả đạo”, đầu hàng (chủ ''hòa'') lại là điển hình về bi kịch người yêu nước, trung thần, quyết tâm chống Pháp, bảo vệ văn hóa dân tộc, chủ chiến, bị ''đập tan tành'' uy tín, bị phá vỡ tầm ảnh hưởng (1).
Cảm xúc đối với Thi tập Nguyễn Văn Tường, đi đôi với các bài khảo luận sử học về ông trong tập tư liệu chính của Hội nghị khoa học lịch sử do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh chủ trì (thu hút nhiều bài viết của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu (*), nhà giáo, nhà báo trong cả nước và cả Việt kiều ở nước ngoài), còn là một cảm xúc của thời đại dân chủ, cách mạng, đổi mới. Tuy vậy, vẫn tồn tại vài vấn đề phải suy nghĩ.

Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ và đệ ngũ kỉ, được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chính thức dưới triều Thành Thái (2), đồng thời đã được cẩn mật khắc in cũng vào thời điểm vị vua yêu nước này chưa bị thực dân Pháp lưu đày, dù với số lượng ít ỏi, cất giấu trong kho sử, đã làm sáng tỏ con người, tư tưởng và toàn bộ hoạt động chính trị của Nguyễn Văn Tường (3). Tất nhiên, tính chất bảo hoàng của một vương triều suy vi vẫn chi phối các cây bút chép sử! Do đó, mọi sự kiện được trình bày, dẫu đã được làm rõ – Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến làm đúng mọi điều trong điều kiện lịch sử cụ thể bấy giờ – vẫn là cái rõ nhuộm màu phê phán. Cũng như các nhân vật lịch sử thuộc nhóm chủ chiến, Nguyễn Văn Tường trong Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ và đệ ngũ kỉ, gây cho người đọc hiệu ứng phản cảm, chí ít cũng mất cảm tình, mặc dù với nhận thức lí tính – có suy ngẫm, phân tích –, thấy ông lẫn các thành viên ấy đúng là những con người có nhân cách cao đẹp, ít ra cũng đứng đắn, có lòng yêu nước sâu nặng, quyết tâm chống Pháp và chống nhà Thanh mưu toan bành trướng, quyết tâm giữ vững sự tự chủ cho vương triều Nguyễn, quyết tâm chống các vị vua đầu hàng, dâm ô, bọn quan lại cơ hội, câu kết với giặc Pháp.

Dẫu sao, hiệu ứng do chất bảo hoàng và sự rụt rè ở các cây bút chép sử triều Nguyễn, từ tập 27 đến tập 36 Đại Nam thực lục, chính biên (ĐNTL.CB.) vẫn là thứ hiệu ứng tai hại!

Tuy vậy, nếu chỉ ĐNTL.CB. (kỉ IV và V), cũng đã đủ rõ Thành Thái đúng là một Lê Thánh Tôn, còn Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Trãi, và vấn đề chỉ còn chờ thời đại dân chủ, cách mạng làm sáng tỏ hơn, gột tẩy đi các màu sắc bảo hoàng đến mức ngu trung ở bộ sử, do hạn chế đáng tiếc của thuở bấy giờ, với các sức ép phong kiến, thực dân, “tả đạo”, chủ “hòa” (*a)... Nhưng trong thực tế lịch sử, có biết bao luồng thông tin gây nhiễu, đầy ác ý với chiến dịch xuyên tạc, dựng đứng chuyện bịa nhằm hạ uy tín những người lãnh đạo, dập tắt phong trào Cần vương và để răn đe! Bao người dân mù chữ, bao kẻ sĩ vô tâm bị mắc mưu tuyên truyền của kẻ thù thực dân, kể cả thực dân “đội lốt” Thiên Chúa giáo, rồi lại sáng tác thơ ca hò vè, viết sách, viết báo!
Đến bây giờ, hẳn ai cũng vẫn còn bị rối trong mớ bòng bong của thực dân Pháp, bọn “đội lốt” (?!) Thiên Chúa giáo từ thời ấy để lại, khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến. Do đó, chúng tôi phải xác định tư liệu tương đối đáng tin cậy nhất và đầy đủ nhất để làm chuẩn: Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ và đệ ngũ kỉ. Rối nhiễu, nhưng với phương pháp luận khoa học về văn bản học, về công việc thẩm định tư liệu, nhất là tư liệu trong hơn nửa thế kỉ mất nước (1885 - 1945) và ba mươi năm chiến tranh (1945 - 1975), chúng tôi thấy không còn tư liệu nào đáng tin cậy và đầy đủ hơn bộ sử ấy, đặc biệt với hai kỉ ấy. Dẫu có những hạn chế nhất định như đã nói, nhưng Quốc sử quán triều Nguyễn vẫn giữ được tính độc lập tương đối của một tổ chức sử gia, lại thừa điều kiện – trình độ học vấn; tư liệu; sự tiếp xúc với các nhân vật lịch sử; quá trình sống với các sự kiện thời đại đó... – nên hơn ai hết và hơn đâu hết, họ có thể làm tốt chức năng chứng nhân. Điều quan trọng nhất là tính khuynh hướng trên lập trường dân tộc. Điều đó được thể hiện khá rõ, chưa kể ở mạch ngầm của các trang sử, khiến hậu thế có thể tin cậy. Tất nhiên, hậu thế phải biết cách đọc bộ sử ấy, đặc biệt là phần sử thuộc hai kỉ ấy (*b), với nhãn quan sử học tiên tiến nhất, khoa học nhất của thời đại mình. Chúng tôi đã vượt lên hạn chế của bản thân, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để cuối cùng đi đến nhận định trên, xác định được chuẩn cứ đó! Phải có chuẩn cứ, để căn cứ vào đấy mà tham khảo, đối chiếu, đãi lọc, tiếp nhận, phê phán, loại trừ các nguồn tư liệu khác, kể cả Thi tập, châu bản. Rối nhiễu, để lần gỡ, phối kiểm, đãi lọc xong, lại sáng lên cảm xúc có tính lương tâm và dân chủ.

Trên cơ sở những nhận thức ấy, chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà khoa học lịch sử, các nhà báo, nhà giáo đã có tham luận tâm huyết trong kỉ yếu của Hội nghị trên (4), tuy có người còn “định kiến”...

Chúng tôi tin rằng đã đến lúc thoát khỏi tình trạng hoang mang, thiếu ý thức độc lập trong nghiên cứu, thẩm định, do nhiễu loạn “tư liệu” (phần lớn không phải tư liệu gốc!) và chưa giám định khoa học thực nghiệm về những tư liệu ấy.

Riêng với cuốn Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập, chúng tôi vừa xúc động sâu sắc, vừa tiếc rẻ. Toàn bộ Thi tập có đến 66 bài (5), nhưng chỉ được phiên âm và dịch khoảng hai phần ba!

Xuất phát từ thiên lương, trách nhiệm và từ cảm hứng nghệ thuật, chúng tôi đã nhờ anh Nguyễn Tôn Nhan, một người chuyên viết sách về văn học và lịch sử Trung Hoa cổ, cũng là một nhà thơ, phiên âm, dịch nghĩa 21 bài còn lại, kể cả những bài nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển mới trích dịch để đưa vào bài giới thiệu (cũng in trong Thi tập ấy, sau hai bài giới thiệu khác của hai nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy đại học Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh).

Ngoài việc mạo muội “nhuận sắc”, lại “dịch thơ” (chuyển lại ngôn ngữ thơ theo thể loại) từ bản dịch nghĩa, chúng tôi còn mạn phép chú thích và hiệu đính các sơ suất mà bất kì bản ấn phẩm nào cũng gặp phải, nhất là soạn lại trọn phần dịch nghĩa. Về phần dịch nghĩa, chúng tôi cẩn trọng nhờ Ts. Ngô Thời Đôn (giảng viên ĐHSP. Huế) hiệu đính giúp, để đảm bảo tính chính xác khoa học và tính khách quan đến mức tối đa.
Trong văn học cổ điển của chúng ta, riêng Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đã có đến ba bản dịch, của Nguyễn Khản, Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích. Đâu chỉ với Chinh phụ ngâm, ngay Dụ Cần vương, một văn bản chính trị – tác phẩm chính luận –, cũng đã có ít ra là ba bản dịch, của Lê Thước, của Chu Thiên và một bản dịch khác! Mọi nguyên tác không phải bằng chữ quốc ngữ đều mong ước có những bản phiên âm, bản dịch tốt, kể cả những bản nhuận sắc (*c). Hơn nữa, cần có thêm các bình chú. Tất cả, để đối chiếu, cảm thụ sâu hơn.

Với Thi tập của Nguyễn Văn Tường, chúng tôi mạo muội làm các công đoạn, các phần còn lại. Chúng tôi xin phép được làm trọn, dù cho có nhiều hạn chế bản thân (sở đoản! (*d)).

Công sức sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu, công bố Thi tập trên của các ông Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển thật lớn lao và đầy ý nghĩa, đối với sử học và giai đoạn văn chương thời Nguyễn vốn còn những khoảng trống, do chiến tranh, do thực dân, đế quốc và do vô tình, quên lãng!

Chúng tôi vẫn ước mong được đọc các bản dịch trọn vẹn từ các châu bản (6): các tập Nam Kì tấu nghị, Bắc Kì tấu nghị, Tân định hòa ước, Việt – Trung giao thiệp, Thương bạc việân phúc... của Nguyễn Văn Tường, mà hiện nay các nhà nghiên cứu, dịch thuật Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Ngô Thời Đôn… đang ra sức tiến hành dịch thuật, chuẩn bị công bố tiếp. Tất cả cũng chỉ vì lòng yêu công lí va quyết tâm làm rõ sự thật lịch sử, làm sáng thêm những gì ĐNTL.CB. hai kỉ IV & V chỉ mới khẳng định dưới ánh sáng của tinh thần dân tộc, chống Pháp, tiễu phỉ “Thiên quốc”, chống mưu toan bành trướng của nhà Thanh, tuy còn bảo hoàng, rụt rè dưới ách “bảo hộ”, sự rình mò, dòm ngó cú vọ của Pháp.

Cuối lời thưa đầu sách này, chúng tôi chỉ trình bày thêm:

1. Các bản dịch thơ chưa dám chú tâm về tính nghệ thuật, các bản dịch nghĩa còn chú trọng đến mức rườm rà cho tính chính xác (sát nghĩa), bởi giá trị thấy ngay của Thi tập là sử liệu; và như thế cũng là để cuốn sách có tính phổ thông, tiện dùng, nhất là tránh được sự hiểu lầm, hiểu sai đáng tiếc.

2. Hạn chế vẫn còn nhiều ở các chú thích. Thỉnh thoảng có đôi lời bình, vẫn còn thô.

3. Hơi nặng về mặt sử học vì tính xác thực.

4. Trong tinh thần đoàn kết dân tộc nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan sử học, với ý thức tôn trọng sự thật lịch sử, chúng tôi đã khu biệt rõ đối tượng cần phê phán, thường được gọi là bộ phận “tả đạo” trong Thiên Chúa giáo. Đó là các giám mục, linh mục mang bản chất thực dân, hoặc thực dân đội lốt tu sĩ Thiên Chúa giáo... Về Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, nhận định của các giáo sư như Trần Văn Giàu, Yoshiharu Tsuboi, Trần Ngọc Thêm, linh mục viện sĩ Trần Tam Tỉnh... đã rất xác đáng ở các cuốn sách đã xuất bản. Giáo hoàng Jean - Paul II cũng đã bày tỏ sự thống hối chung trong buổi lễ ngày 12. 03. 2000 vừa qua (*e). Xin giới thuyết rõ nội dung cụ thể – lịch sử của từ “tả đạo” như vậy. Ngoài ra chúng tôi cũng đã thể hiện cái nhìn riêng về vấn đề này trong tiểu thuyết Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến). Tuy vậy, ở đây, về vấn đề này, cũng xin minh bạch thưa trước: lịch sử là những gì đã trôi qua. Cũng như bao người yêu sử học (kể cả những người yêu văn học), thái độ của chúng tôi đối với những gì đã trôi qua không phải là thái độ đối với những gì đang thuộc về hiện tại. Trong hiện tại, chúng tôi vẫn luôn tôn trọng những giáo dân kính Chuá yêu nước trên Đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa chúng ta cũng như trên thế giới, thuộc mọi quốc gia, mọi dân tộc và mọi quốc tịch (7).

Ý muốn của chúng tôi là công bố cho được trọn vẹn Thi tập này cùng bài “Giải triều...” và các câu thơ, các cặp câu đối còn sót lại của chiến sĩ, nhà thơ, quan phụ chánh, cũng là nhà chính trị, ngoại giao rất tâm huyết, mưu trí, tài ba và đầy bi kịch Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886). Đó cũng là cơ sở cho những cuốn sách tiếp theo của chúng tôi viết về ông.

Chúng tôi cũng xin được khẳng định rõ để tránh những ngộ nhận đáng tiếc: Trong cuốn sách này, có tập hợp thêm một số bài viết của các nhà nghiên cứu khác; tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và nhận định riêng của bản thân cá nhân chúng tôi (TXA.), thể hiện ở bài nghiên cứu của chính chúng tôi, đồng thời ở những câu chữ không phải của các nhà nghiên cứu khác trong cuốn sách này. Sự dị biệt trong nghiên cứu và nhận định cũng là điều thường thấy. Dẫu sao, chúng tôi vẫn ra sức bảo vệ chủ kiến khoa học của mình, đồng thời luôn mong mỏi được sự tán thành trên cơ sở nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (8).

Xin được chỉ bảo, góp ý, phê bình.

TRẦN XUÂN AN
TP. HCM., 31. 07. 2000
(01. 07 Canh thìn HB.0)
& 22 tháng 03. 2004 [:HB4]
(02. 02 nhuận, Giáp thân HB4).


Chú thích:

(1) ''Đập tan tành'', cách nói của tên thực dân – khâm sứ De Champeaux! Trích tư liệu lưu trữ AOM Aix, Amiraux 12923, Champeaux, đại biện tại Huế gửi thống đốc Nam Kì, Huế ngày 06. 02. 1881 (ngày mùng 08 Tết, tháng giêng năm Tân tị). Dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu và nhóm cộng tác dịch, Ban KHXH. TU. TP. HCM. xb., 1990, tr. 270.

(2) Thành Thái, ở ngôi từ 1.1889 đến 7.1907, là con trai thứ bảy của Dục Đức. Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa: vị vua yêu nước Thành Thái là một Lê Thánh Tôn trong việc minh oan cho Nguyễn Văn Tường. Hai kỉ Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ (1847 - 1883) và đệ ngũ (1883 - 1885) mãi mãi, muôn đời vẫn còn đó! Thảm kịch “đốt sách, chôn học trò” do bàn tay độc tài, cuồng ác của bạo chuá Tần Thuỷ Hoàng chẳng lẽ vẫn còn có thể tái diễn trong hiện tại và tương lai?!?

(3) Chi tiết rất đẹp của nhân cách Thành Thái, trong hạn chế lịch sử nhất định, là điểm này. Tuy vậy, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (xb. 1921), mặc dù cũng đã làm sáng tỏ lập trường chính trị của Nguyễn Văn Tường là kiên định chống Pháp, ngay lúc vâng mệnh ở lại Huế sau cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ, lại có xuyên tạc đạo đức của ông (và cả Tôn Thất Thuyết)! Một bài viết rất có giá trị khoa học (tuy vẫn còn vài nét hạn chế) của giáo sư, học giả, dịch giả tiếng Pháp, đồng thời cũng là chuyên gia chữ Hán Bửu Kế (1914 – 1989) cũng đã góp phần làm sáng tỏ về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (Gs. Bửu Kế, bài “Toà Khâm sứ Pháp”, trong CHUYỆN TRIỀU NGUYỄN, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 78 – 101). Theo tôi, nếu không tính đến vài nét hạn chế (việc ghi nhận thêm dư luận về cái chết Kiến Phúc, và cả dư luận “gian hùng” mà toàn bộ bài viết Gs. Bửu Kế phủ định), bài nghiên cứu trên của Gs. Bửu Kế (một hậu duệ hoàng tộc nhà Nguyễn) là một trong những bài viết chính xác nhất về Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Bài nghiên cứu trên của Gs. Bửu Kế chúng tôi đã mạn phép đưa vào cuốn Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (khảo luận và phê bình sử học, 2002), với những “lời đối thoại” của chúng tôi về hai điểm hạn chế trên.

(4) Chúng tôi mạn phép trích in vào cuốn sách này hai bài của Gs. Đoàn Quang Hưng và Ts. Võ Xuân Đàn (ĐHSP. TP. HCM), với những chú thích có tính chất “đối thoại” của chúng tôi (TXA. – nbs.).

(5) Có hai bài, 40 và 42 (theo số thứ tự), có thể không phải của Nguyễn Văn Tường.

(6) Các văn bản có châu phê của nhà vua.

(7) Tinh thần Ph. Galilée (Galileo Galilei, 1564 - 1642) mãi mãi thuộc về giá trị nhân văn vĩnh hằng, bất diệt, ngay cả trong sử học, mặc dù chân lí và sự thật trong khoa học xã hội (cụ thể là sử học), không đơn giản như trong khoa học tự nhiên – thực nghiệm (ở trường hợp Galilée là khoa học vật lí thiên văn).

(8) Để tránh mọi sự hiểu lầm, xuyên tạc, xin khẳng định: quá trình nghiên cứu và nhận định của Trần Xuân An thể hiện rõ ràng ở bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824 –1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 07. 1885” và ở các bộ sách, cuốn sách sau:

a. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
b. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
c. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002
d. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện sử kí, trọn bộ 4 tập, hai tập I, II, 2002, hai tập III, IV, 2003

Cước chú của bài Lời thưa đầu sách :

(*) Theo thông lệ, các học hàm, học vị, học danh, nghiệp danh trong cuốn sách này cũng được viết tắt. Giáo sư, viết tắt là: GS. hoặc Gs., gs.; tiến sĩ: TS. hoặc Ts., ts.; nhà nghiên cứu: NNC. hoặc Nnc., nnc.…, tuỳ ngữ cảnh, theo quy tắc chính tả. Riêng bản thân chúng tôi (TXA.), xin khiêm tốn tự gọi là người biên soạn, và sẽ được viết tắt là Nbs. hoặc nbs..

(*a) Đệ lục kỉ gồm hai tập 37, 38, nếu gạt đi màu sắc phản quốc trong cách chép sử của ngụy triều Đồng Khánh, và với sự đãi lọc, đối chiếu trên cơ sở lấy hai kỉ đệ tứ và đệ ngũ làm chuẩn cứ, sẽ có những lượng thông tin trung thực làm sáng tỏ hai kỉ ấy.
Nói rõ hơn, kỉ đệ tứ, đệ ngũ (IV & V) viết về chính triều Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi (1847 – 06.9.1885); kỉ đệ lục (VI) viết về ngụy triều Đồng Khánh (06.9.1885 – 1888…). Một cách hết sức rõ ràng, hai kỉ đệ tứ, đệ ngũ viết theo quan điểm, lập trường dân tộc, chống Pháp, chống “tả đạo” (tuy còn bảo hoàng!), còn kỉ đệ lục viết theo quan điểm, lập trường ngụy triều, tay sai, phản dân tộc, nịnh bợ Pháp (De Courcy, De Champeaux, Proudhomme, Silvestre, Hector…), nịnh bợ “tả đạo” cỡ có uy thế (Trần Lục, Trương Vĩnh Ký…), chống người yêu nước và phong trào Cần vương (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Trương Văn Đễ, Phan Đình Phùng, Trương Đình Hội, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư…). Không những thể hiện sự chống phá, đệ lục kỉ còn bôi nhọ, xuyên tạc về người yêu nước và phong trào Cần vương. Sự bôi nhọ, xuyên tạc ấy thể hiện qua các văn kiện của Toà Khâm sứ Pháp, Viện Cơ mật và các khâm sai được viết và tuyên truyền bởi Hector, Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Phú Lâm, Phan Liêm…. Ngay thái độ thù hận của thực dân Pháp và ngụy triều bù nhìn, tay sai Đồng Khánh thể hiện ở kỉ đệ lục cũng đã là một lượng thông tin xác thực nhất để khẳng định tinh thần yêu nước, chủ chiến của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn…

Vấn đề này, chúng tôi (TXA.) đã nghiên cứu kĩ lưỡng, nghiêm túc và đã viết trong cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 (sắp xuất bản).
Xin vui lòng tìm đọc.

(*b) Và cả đệ lục kỉ (gồm hai tập 37 & 38) cũng hết sức quan trọng. Xin xem lại chú thích (*a) ở trang trước.

(*c) Rồi trong tương lai, biết đâu Chinh phụ ngâm, Dụ Cần vương, còn được dịch lại với tiếng Việt của tương lai ấy! Ngay cả thơ chữ Nôm với tiếng Việt cổ – đã được phiên âm ra chữ quốc ngữ – của Nguyễn Trãi cũng còn phải dịch ra tiếng Việt tương lai, bởi ngôn ngữ nào cũng phát triển, biến thiên!

(*d) Xin nhấn mạnh: Toàn bộ các bản phiên âm, dịch nghĩa cùng một phần lớn bản dịch thơ là của các nhà dịch thuật, nghiên cứu Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Tôn Nhan. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải tra cứu, nghiền ngẫm từng chữ một về mặt chữ và nghĩa khi cảm thụ và biên soạn từng bài thơ. Sau đó, để cẩn trọng hơn, tất cả các phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ (hay chuyển sang ngôn ngữ thơ theo thể loại) đều có sự hiệu đính của Ts. Ngô Thời Đôn. Nói chung, chúng tôi đã thực hiện đúng và đủ các công đoạn, theo quy trình nghiên cứu, biên soạn.

(*e) Xem: Du Long, bài “Khi giáo hoàng thống hối…”, báo Tuổi trẻ Chủ nhật, số 11 – 2000 / 848, số ra ngày 19. 03. – 25. 03. 2000.

(Cước chú: footnote, lẽ ra phải đặt chú thích loại này ở cuối trang, chứ không phải cuối bài. Cước chú khác với loại chú thích bổ sung [bị chú] đặt cuối bài, thường được gọi là hậu chú [endnote]).


THÔNG TIN
VỀ CÁC HỘI NGHỊ,
HỘI THẢO KHOA HỌC




A.
HỘI NGHỊ KHOA HỌC:
NHÓM CHỦ CHIẾN TRIỀU ĐÌNH HUẾ
& NGUYỄN VĂN TƯỜNG:

1. Kỉ yếu: 28 bài khảo luận sử học
(29 tác giả), trong đó có nhiều bài viết bàn về
Nguyễn Văn Tường:
Gs. Nguyễn Văn Kiệm, Nnc. Trần Viết Ngạc, Nnc. Trần Thị Thanh Thanh, Nnc. Trần Đại Vinh, Nnc. Vũ Đức Sao Biển, Nnc. Trần Thị Kim Hoa, Nnc. Tôn Thất Hào, Gs. Đoàn Quang Hưng, Nnc. Nguyễn Hữu Thông & Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Ts. Võ Xuân Đàn, Gs. Vũ Ngọc Khánh, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Đặng Thị Tịnh…

2. Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập
do Nnc. Trần Viết Ngạc sưu tầm & giới thiệu,
Nnc. Trần Đại Vinh – Nnc. Vũ Đức Sao Biển
phiên âm và dịch

(Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
chủ trì hội nghị và ấn hành, 20. 6. 1996).

B.
HỘI THẢO KHOA HỌC:
NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886):

Tập các báo cáo khoa học
(15 bài khảo luận của 13 tác giả),
với chuyên đề về Nguyễn Văn Tường:

PGs. Ts. Đỗ Bang, Nnc. Trần Viết Ngạc, Trần Xuân An, Nnc. Trần Huy Thanh, Nnc. Phan Thuận An, Nnc. Phạm Hồng Việt, Nnc. Huỳnh Kim Thành, Ts. Nguyễn Thị Đảm, Nnc. Trần Thiều, Nnc. Nguyễn Quang Trung Tiến, Nnc. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Nnc. Hồ Vĩnh, Nnc. Lê Tiến Công.

(Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế
chủ trì hội thảo và ấn hành, 02. 7. 2002) (*).

C.
HỘI NGHỊ:
THÔNG BÁO NHỮNG NGHIÊN CỨU & SỬ LIỆU
VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG.

(Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, 01. 11. 2003, và thông báo trên tạp chí Xưa & Nay, sô 151 (199), tháng 11. 2003, đồng thời trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (331) tháng 11 & tháng 12. 2003.).

Theo thông báo trên, những công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật tư liệu vẫn được tiếp tục, mặc dù Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định lại sự khẳng định từ cuối thế kỉ XIX đến nay của giới sử học trong và ngoài nước: Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) là nhà yêu nước, chủ chiến
[trong bối cảnh suy trầm chung của Việt Nam
và các châu lục Á – Phi – Mỹ la-tinh
trước nạn thực dân Âu – Mỹ (– nbs.)].
Đồng thời, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đã thẩm định và đã đi đến khẳng quyết về tính chân xác của các sử liệu được công bố trong hội thảo ngày 02. 07. 2002 tại Huế (**).




(*) Vì đây chỉ là tập thơ của Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), do đó chúng tôi rất lấy làm tiếc là không thể mạo muội xin phép các nhà nghiên cứu khác để được đưa vào cuốn sách này nhiều bài viết khác trong hai tập kỉ yếu và báo cáo khoa học ghi trên.
Trân trọng và thành thật cảm ơn.

(**) Các tư liệu ấy cũng đã được công bố trên báo chí một cách công khai và minh bạch. Xin xem: Trần Viết Ngạc, “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường” [giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân], bns. Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10. 2002, tr. 18 – 20. Chúng tôi đã trần thuật lại bài báo trên (đồng thời mạn phép trích nguyên văn một số đoạn tư liệu) ở chú thích số (9) bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 07. 1885 (23. 05 Ất dậu)”.

Sau đây, người biên soạn xin được phép trang trọng chép lại hai bài thông tin khoa học và nhận định khái quát từ cuộc hội nghị do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 01. 11. 2003. Chúng tôi cũng mạo muội chú thích thêm cuối trang và cuối bài để làm rõ hơn, theo tinh thần dân chủ trong học thuật.
Hai bài cùng với các chú thích nói trên gồm chín trang, cộng với lời xin phép này, tất cả là mười trang sách.
Trân trọng kính thưa trước.

TXA.


Tạp chí NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
(Trung tâm Khoa học xã hội
& nhân văn quốc gia – Viện Sử học Việt Nam)
Số 6 – 2003, tr. 90
THÔNG TIN SỬ HỌC
HỘI NGHỊ: THÔNG BÁO NGHIÊN CỨU VÀ SỬ LIỆU VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG

Ngày 01. 11. 2003, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội nghị: “Thông báo nghiên cứu và sử liệu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần vương”. Tham dự có các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, các thành viên của Hội và đại diện hậu duệ đời thứ năm của Phạm Thận Duật, Tôn Thất Thuyết.

Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Hoàng Kế Viêm là ba nhân vật quan trọng nhất của triều Nguyễn thời Tự Đức, phục vụ triều đình cho đến năm 1885 nhưng không được Quốc sử quán triều Nguyễn biên chép trong bộ Đại Nam chính biên liệt truyện. Điều này đã làm cho việc nghiên cứu ba nhân vật này trở nên khó khăn. Để làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, đã có hai hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường. Hội thảo thứ nhất do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20. 6. 1996 với chủ đề: “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, kết quả là, bước đầu sưu tầm được nhiều tư liệu, nghiên cứu và đánh giá về Nguyễn Văn Tường và kết luận: Nguyễn Văn Tường là người thực tâm yêu nước. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã từ bỏ ý kiến đánh giá trước đây của mình và thừa nhận Nguyễn Văn Tường là đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên vấn đề vẫn còn chưa lí giải được là việc Nguyễn Văn Tường rời bỏ Tôn Thất Thuyết để tạm thời (*)cộng tác với Pháp sau sự kiện 05. 7. 1885. Hội thảo thứ hai do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Huế – Viện Đại học Huế và Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức ngày 02. 7. 2002 tại Huế. Thành công lớn nhất của Hội thảo là đã hình thành một nhóm sưu tầm tư liệu ở trong và ngoài nước về Nguyễn Văn Tường một cách toàn diện. Cũng trên cơ sở có tư liệu mới nên việc đánh giá về Nguyễn Văn Tường đầy đủ, khách quan và chính xác hơn. Hội thảo lần này tiếp tục giới thiệu những tư liệu được sưu tầm tại Pháp và Tahiti do hậu duệ đời thứ năm và sáu (**) của cụ Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái là Trần Nguyễn Từ Vân thực hiện. Trong đó có nhiều tư liệu khai thác tại các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao (Paris), tại Tahiti, và Bộ Hải quân.

P. C.
(Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Phương Chi)


Cước chú của bài Thông tin sử học… (tap chí NCLS., số 6, 2003):

(*) Nbs. xin mạn phép nhấn mạnh (in đậm và in nghiêng).

(**) Nếu tính các thế hệ từ đời con trở xuống, chính xác là: hậu duệ thế hệ thứ tư và thứ năm.


HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM
Tạp chí Xưa & Nay
Số 151 (199) – tháng 11. 2003, tr. 7 - 9

NGUYỄN VĂN TƯỜNG,
NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG SỰ ĐÁNH GIÁ

Ngày 01. 11. 2003, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức cuộc sinh hoạt khoa học nhằm thông báo và trao đổi xung quanh những đánh giá và tư liệu mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường. Cuộc họp này là sự kế tục các cuộc hội thảo về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20. 06. 1996, và cuộc hội thảo về “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường” do Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế và Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế tổ chức ngày 02. 7. 2002. Đây là vấn đề mà giới sử học đang quan tâm, cũng như các cuộc toạ đàm đánh giá lại các nhân vật Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức gần đây. Chúng tôi xin lược thuật lại nội dung các cuộc trao đổi trên để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm bi kịch đối với một nhân vật lịch sử trong giai đoạn biến động của đất nước.

Nguyễn Văn Tường là một trong những đại thần dưới triều Tự Đức. Sau khi Tự Đức băng hà, ông cùng Tôn Thất Thuyết làm phụ chính đại thần, lãnh đạo phe chủ chiến phế lập các vua Nguyễn để thực hiện mục tiêu chống Pháp. Nguyễn Văn Tường là người có nhiều mưu lược chống Pháp, nhất là trên mặt trận ngoại giao. Nhưng đến sự kiện tấn công quân Pháp đêm 04. 7. 1885 do chủ mưu của Tôn Thất Thuyết trong một tình thế bức bách dù biết rằng sẽ thất bại, Tôn Thất Thuyết đã không bàn với Nguyễn Văn Tường và không xin ý kiến vua Hàm Nghi (*).

Trước tình thế đó, Nguyễn Văn Tường tìm cách đưa vua Hàm Nghi và tam cung lánh nạn để chờ điều đình với Pháp. Nhưng Tôn Thất Thuyết đã kịp thời đưa vua và tam cung ra Quảng Trị. Theo Đại Nam thực lục và theo tài liệu dân gian Hạnh Thục ca (*a) thì Nguyễn Văn Tường đã vâng lệnh thái hậu Từ Dũ ở lại để điều đình với Pháp, đó là sứ mệnh cao cả và nguy hiểm chứ ông không phải là người ở lại để đầu thú (*b). Nhưng sau sự kiện thất thủ kinh đô, Nguyễn Văn Tường rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và nằm trong lưới bẫy thực dân. Ông đã trở thành mục tiêu công kích thậm tệ của nhiều thế lực đang thắng thế ở kinh đô, không những bị triều đình Đồng Khánh lên án mà còn bị dư luận xuyên tạc gây nên nhiều ngộ nhận đối với các thế hệ sau.

Theo các tài liệu mới sưu tầm được, thì trong hai tháng ở Huế, Nguyễn Văn Tường là thân phận tùø binh của Pháp. Tướng De Courcy, tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ, đã lợi dụng danh nghĩa phụ chính của Nguyễn Văn Tường để thực hiện ý đồ chinh phục, như viết thư kêu gọi vua Hàm Nghi và tam cung trở lại Huế; có tài liệu cho biết Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục liên lạc với quân Cần vương và bị De Courcy phát giác [nbs. iđ. & in.]. Điều đó cho thấy Nguyễn Văn Tường không làm tay sai cho Pháp mà trước sau vẫn bị chúng cho là đối nghịch. Kết cục là triều đình Đồng Khánh đã kết án ông và đày ra Côn Đảo, sau đó thực dân Pháp thấy không yên tâm nên đã đày ông biệt xứ sang đảo Tahiti. Ông đã qua đời tại đó năm 1886 [nbs. iđ. & in.]. Tuy nhiên kết cục bi thảm đó không được giới sử học trước đây mảy may bận tâm. Nhiều tài liệu lịch sử vẫn viết rằng Nguyễn Văn Tường là kẻ đầu hàng chống lại phe chủ chiến.

Nếu như Quốc sử quán triều Nguyễn không đưa Nguyễn Văn Tường và nhiều nhà yêu nước khác vào bộ Liệt truyện, thì giới sử học ngày nay có trách nhiệm làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, để đặt ông vào đúng vị trí một nhân vật có tầm vóc trong lịch sử dân tộc cuối thế kỉ XIX [nbs. iđ. & in.].

Sai lầm của Nguyễn Văn Tường là tin vào việc thương thuyết để tìm một lối thoát cho đất nước, khi mà cuộc đấu tranh vũ trang đã thất bại; chủ quyền không còn, thì ông trở thành mục tiêu để kẻ thù lợi dụng và loại trừ. Thực dân Pháp đã lợi dụng ông để ổn định tình thế sau biến động ở kinh đô, khi vua và triều thần không còn. Chính vì sự lợi dụng này mà Nguyễn Văn Tường bị coi như kẻ tiếp tay cho chính sách cai trị của Pháp sau biến cố ở kinh đô. Đó cũng là một lầm lẫn đáng tiếc của ông (*c).

Nhưng không vì thế mà ta có thể nghi ngờ lòng yêu nước của ông. Thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh luôn xem ông là kẻ thù, xếp ông vào cùng danh sách những người yêu nước chống Pháp hàng đầu thời đó [nbs. iđ. & in.] như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Đính, Phạm Thận Duật (*d)… Qua cuộc hội thảo năm 1996 tại Tp. Hồ Chí Minh, Gs. Trần Văn Giàu cũng đã từ bỏ ý kiến trước đây của mình và thừa nhận Nguyễn Văn Tường là một trong những đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn.

Việc công bố mới đây một số tài liệu lưu trữ của Pháp (hồ sơ CAOM. …, CAOM. … (*e) (1)) và những cuộc khảo sát ở nhà tù Tahiti, do hậu duệ Nguyễn Văn Tường thực hiện ở nước ngoài, đã giúp cho các nhà sử học có thêm cơ sở để đánh giá lại nhiều điểm oan khuất trong cuộc đời của Nguyễn Văn Tường, nhất là hai tháng cuối cùng ở Huế.

Với sự chia sẻ đối với thế hệ Nguyễn Văn Tường – một thế hệ những người có tâm với đất nước nhưng không tìm ra con đường cứu nước – chúng ta càng hiểu thêm những bi kịch mà thế hệ đó phải trải qua. Trong thời gian tới, nhận thức về Nguyễn Văn Tường và thời đại của ông còn được tiếp tục nghiên cứu thêm nữa, và sự phong phú, chính xác của những nguồn tư liệu sẽ còn được khai thác, củng cố thêm niềm tin của chúng ta đối với những kết luận đã được nêu lên qua các cuộc hội thảo gần đây.

Một trong những tư liệu được công bố gần đây có nhắc đến lời ai điếu khi đón nhận di hài Nguyễn Văn Tường về với Tổ quốc. Bài thơ (*g) viếng ấy có thể là của cụ Đào Tấn, gửi gắm một trách nhiệm rất lớn cho chúng ta, những người viết lịch sử:

Quốc kế thị phi lân sử định
Thiên phương sinh tử nhạn thư điêu
((*)).

Cái chết của những thế hệ đi trước để lại cho chúng ta một di sản, nhưng đồng thời cũng trao trách nhiệm để chúng ta kế thừa. Với cách đặt vấn đề và suy như vậy, những cuộc hội thảo vừa qua đã đi được một bước quan trọng, nhưng chưa phải là bước đi cuối cùng, vì sẽ còn nhiều cuộc trao đổi nữa đề cập đến thời đại bi kịch của Nguyễn Văn Tường mà chúng ta có thể làm sáng tỏ thêm nhiều nhân vật lịch sử khác.

Tạp chí Xưa & Nay
(Cơ quan của Hội KHLS. VN.)

(1) Xin xem thêm: Lời Toà soạn giới thiệu bài viết của Từ Vân (con gái của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh – bà Oanh là hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Văn Tường). Bài viết ấy được đăng cùng số tạp chí Xưa & Nay ghi trên, tr. 10 – 12. Trong đó, có đoạn khẳng định rõ việc giám định về tính xác thực của tư liệu sưu tầm được: “Những chuyến đi dài ngày đến những nơi xa xôi trên trái đất, cuối cùng đã giúp hai người tìm được trong đống hồ sơ bị lãng quên những tài liệu chân xác liên quan đến Nguyễn Văn Tường”. Về bài viết của Từ Vân, có đoạn thuật lại việc tìm được các tư liệu cực kì quan trọng:

“Tim tôi càng đập mạnh khi cầm trong tay tờ điện tín cũ rích mang chữ kí kiêu ngạo của tướng De Courcy đã hơn 100 năm qua, ra lệnh lưu đày Nguyễn Văn Tường ra Côn Đảo, rồi đưa đến Tahiti. Giờ đây, 115 năm sau, cháu gái sáu đời có dịp chứng kiến.
Rồi một sự tình cờ khác bỗng đến trước mắt tôi, một bằng chứng sống động chứa đựng lời buộc tội để kết án Nguyễn Văn Tường chống lại người Pháp: “Văn kiện dùng để nghiên cứu những giai đoạn về vấn đề Bắc Kỳ: Sự nổi dậy” đó là do Tổng Giám mục Puginier soạn. Cái bằng chứng quan trọng này đã làm hai hàng nước mắt của tôi phải chảy ra. Tôi vội gọi điện thoại báo cha mẹ tôi những tin mừng của ngày đầu khám phá”
(bài đã dẫn, tr. 11).


Cước chú của bài Nguyễn Văn Tường, những chuyển biến trong sự đánh giá (Tạp chí Xưa & Nay, số 151 [199], 11. 2003):

(*) Xin vui lòng xem: Gs. Bửu Kế, bài “Toà Khâm sứ Pháp”, trong CHUYỆN TRIỀU NGUYỄN, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 78 – 101; Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885”, Hội thảo khoa học: Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Các báo cáo khoa học, Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế ấn hành, Huế – 02. 7. 2002, tr. 59 – 83. Tháng 8. 2003 (HB.3), tự nhuận sắc; in lại trong sách này. Một đoạn ĐNTL. CB., cần lưu ý: “Từ điều ước tái định đã được phân minh, KHIẾN NƯỚC PHÁP TRƯỚC TỰ BẠI HOÀ GÂY BIẾN, thì phàm ai ở đất vua cũng đều thù ghét [giặc Pháp – ct.], ai bảo là không nên. Không gì bằng CUỘC NGHĨA CỬ ĐÊM 22 THÁNG 5 NĂM NAY [04 – 05.7.1885 – ct.]…” (Đại Nam thực lục chính biên [ĐNTL. CB.], tập 36, sđd., tr. 244), và nhất là bản án chung thẩm: “đều là bè đảng làm loạn” (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35; ở chú thích (*d) của phần này).

(*a) Hạnh Thục ca là tác phẩm của Lễ tần Nguyễn Nhược Thị Bích (vợ của Tự Đức; sau khi Tự Đức băng hà, đảm đương chức năng thư kí riêng cho bà Từ Dũ để viết các bản sắc dụ…). Tác phẩm này đã ít nhiều được lưu truyền trong dân gian.

(*b) Nbs. mạn phép được in đậm và in nghiêng để nhấn mạnh. Viết tắt: iđ. & in..

(*c) Xin vui lòng xem: Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885”, Hội thảo khoa học: Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Các báo cáo khoa học, Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế – Viện Đại học Huế, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế ấn hành, Huế – 02.7.2002, tr. 59 – 83. Tháng 8.2003 (HB.3), tự nhuận sắc; in lại trong sách này. Đặc biệt là tiểu mục: 3.b. Nhiệm vụ lịch sử với lập trường kiên định, thái độ chính trị “nhất dạng”; Sự ngộ nhận, xuyên tạc; Thực dân pháp thao túng trong sự nhân danh triều đình; Nỗi khổ tâm của Nguyễn Văn Tường.

(*d) Đình thần, nói theo cách nói của Trần Trọng Kim, “nhiều người đã biết theo chính sách bảo hộ cho nên mọi việc trong Triều đều được yên ổn”. Đình thần ấy cùng Tôn nhân phủ kết án (!): “Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo” (Đại Nam thực lục chính biên [ĐNTL. CB.], tập 37, sđd., tr. 35).

(*e) CAOM. Paris (Centre: Archives d’Outre-mer, dépôt de Paris [: Trung tâm Lưu trữ [Bộ] Hải ngoại, kho đặt tại Paris]), CAOM. Aix (Centre: Archives d’Outre-mer, dépôt d’Aix-en-Provence [: Trung tâm Lưu trữ [Bộ] Hải ngoại, kho đặt tại Aix-en-Provence]), CAAE (Centre: Archives du Ministère des Affaires étrangères [: Trung tâm Lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp])….

(*g) Câu đối song thất.

((*)) Chú thích của Tạp chí Xưa & Nay:

Kế nước đúng sai trang sử quyết
Phương trời sống chết cánh hồng chao


(Tôn Thất Mạnh Hào dịch).

Đào Tấn cũng là một đại thần triều Nguyễn, được Nguyễn Văn Tường gợi ý về hưu sớm lúc tuổi 40, để chuẩn bị phong trào chống Pháp ở các tỉnh Nam Trung Kỳ.

Không có nhận xét nào: