Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

2. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886) -- THƠ -- VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI, TÂM HỒN & TƯ TƯỞNG / tệp 2

NGUYỄN VĂN TƯỜNG
&
CHÍNH TRỊ



NGUYỄN VĂN TƯỜNG
QUA CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
(*)



Nguyễn Văn Tường sinh ngày 22 tháng 8 năm Giáp thân (14. 10. 1824) tại Quảng Trị và mất ngày 29 tháng 6 năm Bính tuất (30. 7. 1886) tại Tahiti.

Thuở nhỏ nhà nghèo nhưng ham đọc sách, lớn lên nổi tiếng văn hay. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đi thi hương, ông đậu tú tài nhưng khi duyệt danh sách tân khoa, nhà vua mới hay ông lấy họ Nguyễn Phước nên hủy bỏ kết quả, trách phạt các quan, ông bị kết án suốt đời không được đi thi (1).

Năm 1850, vua Tự Đức chuẩn cho được đi thi lại, ông đậu cử nhân và mở đầu thời kì làm quan hơn 30 năm.

Đầu tiên, Nguyễn Văn Tường nhận chức học quan: huấn đạo huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), kế đó được thăng tri huyện Thanh Hóa (Cam Lộ, Quảng Trị). Ở vùng giáp biên giới Lào – Việt này, ông đã có công chiêu tập vỗ về đồng bào dân tộc, mở mang làng xóm, đặt đồn phòng thủ, làm cho dân cư ngày càng đông đúc, sinh tụ, mỗi ngày một phồn thịnh. Các phường tân lập, nhớ tưởng công đức, đều có lập miếu thờ. Nhờ siêng năng công vụ, ra sức khẩn hoang vùng Cam Lộ, ông được Triều đình đưa về Huế, giữ chức viên ngoại lang Bộ Binh. Năm 1861, ông nhận chức án sát Quảng Nam. Hai năm sau, thăng tá lí Bộ Binh kiêm dinh điền sứ hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và rồi phủ doãn Thừa Thiên (1864).

Do vụ khởi nghĩa của Đoàn Trưng, Đoàn Trực, ông bị cách chức (1866). Ít lâu sau, vua cho khai phục hàm biên tu, lại trở ra làm khâm phái sơn phòng sứ Quảng Trị, được cấp ấn quan phòng riêng để tiện tâu bày ý kiến với vua.

Năm 1868, có bọn giặc Khách quấy phá Bắc Kì, Nguyễn Văn Tường được điều ra Bắc với chức tán tương quân vụ Sơn Hưng Tuyên. Ông nhiều lần sang lãnh thổ Trung Quốc để thương thuyết về việc tiễu phỉ (các bản tấu ngày 30 tháng 12 năm Nhâm thân 1872, ngày 01. 02 năm Quý dậu - 1873 v.v...). Năm 1870 thành Lạng Sơn bị bọn phỉ chiếm, Nguyễn Văn Tường bị cách lưu và sau đó khai phục hàm hàn lâm viện trước tác. Tháng 12 cùng năm, ông thu thập tàn quân chiếm lại Lạng Sơn nên được thăng tán lí.

Jean Dupuis gây rối ở Bắc Kì, tạo nguyên cớ cho Francis Garnier chiếm Hà Nội. Ông được phái ra Bắc cùng Philastre dàn xếp. Hà Nội và các tỉnh bị Pháp chiếm được giao trả, đổi lại Việt, Pháp lại kí hòa ước mới. Hòa ước Giáp tuất kí ngày 15. 3. 1874 tại Sài Gòn giữa Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường và đô đốc Dupré, đại diện chính phủ Pháp. Sau công tác ngoại giao này, ông được về Huế giữ chức thượng thư Bộ Hình, sung Cơ mật viện và Thương bạc việân, được phong danh tước Kỳ Vĩ bá (2).

Năm Tự Đức 29 (1880) Tự Đức thăng cho ông hiệp biện đại học sĩ và chuyển qua làm thượng thư Bộ Hộ. Trước khi vua Tự Đức mất, ông được cử làm phụ chính đại thần cùng với Tôn Thất Thuyết, Trần Tiễn Thành (7. 1883). Trong sự kiện “tứ nguyệt tam vương” ông đã cùng Tôn Thất Thuyết chống lại nhóm chủ “hòa”, phế Dục Đức và Hiệp Hòa, tôn Kiến Phúc lên ngôi, trù tính và thực hiện các biện pháp để có thể chống Pháp lâu dài như xây thành Tân Sở (Quảng Trị), tu bổ thượng đạo, sửa sang các sơn phòng, tích trữ vàng bạc, khí giới, gạo muối ở Tân Sở và Dương Yên (Quảng Nam). Qua tường trình của các cố đạo người Pháp, chính phủ Pháp biết được mọi công việc chuẩn bị của nhóm chủ chiến và vì thế quyết tâm ngăn chặn, nếu cần, gây áp lực quân sự để triệt hạ nhóm chủ chiến mà linh hồn là Tôn Thất Thuyết. Kết quả là kinh thành Huế thất thủ (23.5. Ất dậu – 1885), vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành, ban Dụ Cần vương cho các tỉnh bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Văn Tường nhận lệnh Từ Dũ, ở lại Huế thương thuyết với De Courcy. Nhưng sau hai tháng bị quản thúc ở Thương bạc, ông bị đày đi Côn Lôn và sau đó sang Tahiti cùng với Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính. Phạm Thận Duật mất trên hải trình và được thủy táng ở eo biển Malacca. Nguyễn Văn Tường mất ở Tahiti và sau đó hài cốt được đưa về an táng ở quê nhà (làng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Hành động của ông trong giai đoạn “tứ nguyệt tam vương” và việc ông ở lại để thương thuyết với Pháp sau ngày kinh thành thất thủ đã làm cho việc nhận định về ông không phải dễ dàng, nhất là có lắm kẻ thù người Pháp, các cố đạo như Puginier, Van Camelbeke, các hoàng thân, quan lại chủ ''hòa'' – những người sẵn sàng gán cho ông những tiếng xấu – đặt điều về ông. Tự ông, cũng hiểu khó cho người đời hiểu được tấm lòng của ông, vì biện giải cho được hành động chia tay của ông với Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật... quả là một điều khó khăn (3).

U trung thùy bạch thiên thu hậu?
Xã tắc quân dân thục trọng khinh?


Tạm dịch:

Lòng u uẩn ngàn năm ai tỏ?
Tổ Quốc, vua, dân, đâu trọng khinh?

(TĐV. dịch) (3).

Biện minh cũng chỉ là biện minh (3). Muốn hiểu được hành động của ông phải hiểu con người của ông. Muốn hiểu con người đã mất, chỉ còn cách tìm hiểu thơ, văn [tìm được].
Hàng cháu nội của ông, các cử nhân Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Phùng (4) nhân lúc làm quan ở Huế đã có công sưu tầm các công văn, giấy tờ lưu trữ trong các nha môn, quán, các, bộ, viện do ông soạn thảo trong thời gian làm quan, phân loại và sắp xếp thành từng quyển, theo gia phả. Các công trình sưu tập đó được lưu giữ cẩn thận ở từ đường, xem như gia bảo. Mục đích:

“... để cho con cháu đời sau, kẻ nào dĩnh ngộ, đọc được tiểu sử của ngài, thưởng thức thơ văn sót lại của ngài mà hưng khởi để chấn gia thanh, khỏi sự chê bai của dư luận, dám bảo vệ sự công bằng trước ý kiến của mọi người”.

Chiến tranh đã làm thất tán các công trình sưu tập, con cháu cũng chưa có cơ hội thuận tiện để công bố. Trong lúc đi tìm tư liệu cho đề tài kinh thành thất thủ và phong trào Cần vương, chúng tôi đã có may mắn tìm thấy các công trình này, duy trừ tập Thượng bạc viện phúc chỉ còn là một bản sao không đầy đủ. Cùng với các tập Nam Kì tấu nghị, Bắc Kì tấu nghị, Tân định hòa ước, Việt – Trung bang giao, Thương bạc viện phúc... các cử nhân Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Phùng đã tìm được 65 bài thơ [kể cả bài “Giải triều...” – nbs. (**)] của Nguyễn Văn Tường mà từ trước đến nay giới nghiên cứu chưa hề biết đến.

Nếu các tập tấu và văn thư do ông soạn thảo cho chúng ta biết sự nghiệp chính trị của ông thì tập thơ sẽ giúp chúng ta hiểu tình cảm, tinh thần, tư tưởng và nhân cách của ông.

Công việc giới thiệu toàn bộ châu bản nhà Nguyễn liên quan đến ông là một công việc đòi hỏi thời gian và công sức, chúng tôi mong sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn việc tìm hiểu tư tưởng và hành động chính trị của ông ở cương vị là một dinh điền sứ mở mang vùng Cam Lộ, Quảng Trị, một tán lí quân vụ tham gia việc tiễu phỉ ở Bắc Kì, một nhà ngoại giao, một đại thần được vua Tự Đức tín nhiệm, trong hoàn cảnh đất nước suy trầm (3).

Có lẽ vấn đề lớn nhất mà ông trăn trở – cũng như vua Tự Đức – là vấn đề Nam Kì bị Pháp chiếm. Làm thế nào để bảo toàn được đất nước trước tham vọng của thực dân? Hòa thì có gì để trông cậy? Nội trị có chấn hưng thì ngoại giao mới có chỗ tựa. Chính sách và nhân sự thực hiện? Ông nghĩ gì về thực dân Pháp? Hãy để cho ông tự trình bày.
Về thực dân Pháp, ông viết:

- “Mọi rợ là mối lo, từ xưa đã có, nhưng chưa mọi rợ nào như người Phú”.
(Tấu, 22.3. Mậu thìn - 1868).

- “Người Tây xảo trá trăm mối, việc nghe đoán càng phải thận trọng”.
(Tấu, 6.2 Mậu thìn - 1868).

- “Trộm xét các nước Tây phương thường chuộng công lợi mà tham lam giảo quyệt, nước Phú, nước Anh là nhất. Các nước thuộc về Đông phương ta, gặp lúc này khó tiến. Đại Thanh, Nhật Bản, Cao Ly, Xiêm La, Cao Mên, Miến Điện đều bị họ lộng hành. Ta lần này cũng thế”.
(Tấu, mười... tháng 8 Quý dậu - 1873).

- “Bọn Tây dương tính tham, chấp theo điều lợi. Ấy là tìm được rồi lại sợ mất đi. Thật là khó lấy nghĩa lí, trí thuật làm lay chuyển nó nghe theo” (tlđd).

- “Người Phú vô cớ đến đây xâm phạm, lại thi hành nhiều chính sách tàn ngược [ở Nam Kì]”.
(Tấu, 6.8 Giáp tuất, 1874).

Năm 1873, khi ông đảm trách công việc thương thuyết với Pháp có hiệu quả, tiếng nói của ông bắt đầu được vua Tự Đức lắng nghe, là lúc ông trình bày chính sách và nhận định của ông về tình hình đất nước. Ông chia sẻ với Tự Đức việc để mất Nam Kì nhưng vẫn mong có một ngày... về sau.

- “Riêng xét sáu tỉnh Nam Kì, khai thác gian nan mà nay một sớm nhượng cho người. Kính nghĩ: trong lòng hoàng thượng có điều u uẩn, phận bầy tôi phải lập công báo đáp”.
(Tấu, 6.8 Giáp tuất, 1874).

- “Ôi đất đai khai thác gian nan mà một sớm đã nhượng cho người; hoàng thượng nhức nhối trong lòng đã lâu, mà tôi con cũng không dám lộ ra ngoài miệng”.

Có dịp vào Nam Kì quan sát, ông càng hiểu tham vọng của họ: chiếm Nam Kì, chiếm Cao Mên là có ý đồ lâu dài, tạo một bàn đạp để xâm nhập Hoa Nam. Cho nên, năm 1873 ông rất cảnh giác khi Pháp tỏ ý có thể cho Triều đình Huế chuộc lại ba tỉnh miền Tây mà theo ông đó chỉ là mưu mô xảo trá của người Phú. Ông phân tích vị trí địa lí, chiến lược của ba tỉnh miền Tây với vua Tự Đức:

“Mảnh đất cô huyện ấy kẹp giữa Phú và Miên, ngửa đông nghiêng tây, sức nào giữ vững, hao tốn chẳng xong, cuối cùng sẽ rơi vào kế xảo trá của nó. Nếu không thế thì đất Cửu Long hoang rậm xa xôi, nó còn muốn chiếm hết để mở mang, huống gì ba tỉnh cận kề bụng nó, há dung cho khỏi cắt lìa [khỏi sự quản thuộc của ta – nbs.]? Đó cũng là tình ý của giặc mọi rợ không thể không xét.

Thế thì toàn cõi trong Nam, muốn thu hồi hết cũng thậm khó mà chỉ một nửa cũng không dễ”.
(Nam Kì tấu nghị).

Trước mắt, thu hồi sáu tỉnh là điều bất cập. Vậy phải tính kế lâu dài, làm thế nào cho nhân tâm của dân chúng Nam Kì không bị chìm đắm. Nguyễn Văn Tường đề nghị cần yêu cầu Pháp để cho Triều đình tiếp tục công việc giáo dục: lập văn miếu, bổ học quan, mở khoa thi.

“Như thế thì cõi bờ dù có mất mát chìm đắm, chính lệnh tuy chưa tới được nhưng giáo hóa vẫn còn có thể thi hành, lấy đó mà vun trồng đạo lí, kích thích sĩ phu... Tuy mất đất đai nhưng có được lòng người thì có thể dùng về sau”.

Ở thập niên 70, khi người Pháp chưa thôn tính Bắc Kì và thiết lập nền bảo hộ thì Nguyễn Văn Tường cho rằng có thể dùng ngoại giao để có thì giờ chấn hưng đất nước. Bấy giờ mới nói đến ngoại giao có hiệu lực.

“Bên ngoài ta lấy vẻ mặt tươi cười chờ đợi, bên trong lại nghiêm chỉnh tự trị, binh khí, thuyền súng có chuyên viên đảm trách,người người tự nỗ lực, tự mưu tính để chờ cơ hội, thì cái hiệu nghiệm lúc xế chiều không phải là muộn vậy”.

Suy nghĩ của Nguyễn Văn Tường về Nam Kì là như vậy. Trước mắt không làm gì được.

Phải sửa đổi nội trị, nội trị mà hưng thịnh thì việc ngoại trị mới có thể theo mong muốn (Tấu, 27.10 Giáp tuất, 1874).

Từ 6 năm trước đó (1868), sau khi De La Grandière chiếm ba tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản tự tử, Nguyễn Văn Tường không thấy có cách nào khác là phải thi hành một chính sách chấn hưng đất nước. Ông thẳng thắn trình bày với vua Tự Đức:

- “Đánh thì việc đã qua, không dám nói lại.
Hòa thì nay có gì trông cậy...
Vả, không lo bọn giặc ngang ngược, chỉ lo ta không thể tự cường, không lo bọn giặc tham tàn, chỉ lo ta không thể tự giữ.
Kinh sư là đất căn bản, đồn lũy đã vững chăng? Chí quân, lòng dân đã được khích lệ chăng? Đường bộ, đường thủy đã vững khắp chăng? Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh khác cũng có hải phận. Quân lương, binh lính làm thế nào cho sinh và đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho chuyên luyện? Nơi nào hiểm yếu cần phải giữ, phép phòng thủ nào tất vững?”.

- “... Phàm những điều ấy cũng nên xét kĩ, trù liệu chín chắn và sớm thi hành để khỏi trở ngại về sau”.

Vua Tự Đức đã châu phê: “Điều trần này thảy đều thiết thực''.

Trong kế hoạch chấn hưng đất nước mà ông lưu tâm, ông rất coi trọng vấn đề nhân sự. Không phải thiếu người tài mà chính là thiếu người lo lắng việc nước.

“Nay đương chức trong ngoài, gian dối, yếu kém không phải là không có, nhưng kẻ có tài lo liệu cũng chưa từng thiếu. Mà gặp việc lo thì tránh khéo, ở chức công mà chỉ lo vui với việc riêng... Thậm chí có kẻ theo việc mà đòi ăn hối lộ, khác nào chợ búa, càng không biết liêm sỉ là gì nữa. Than ôi! Nhân tâm một phen sao đến thế?”.

Không chấn hưng được nhân sự thì sao có thể sửa đổi việc khác, trong khi tình thế đất nước mỗi ngày một cấp bách, khó khăn?

“Sau này việc giao thiệp càng phiền toái, trách nhiệm về bờ cõi ngày càng nặng. Thế cho nên đảm đương công việc rất gấp mà chưa lấy việc sửa đổi tự bên trong làm đầu, nếu [vẫn còn] có hạng người ấy [không tự sửa đổi bản thân – nbs.] (5) thì cũng chẳng đâu vào đâu vậy”.
(Tấu, 27.10 Giáp Tuất, 1874).

Ông nhận xét việc tuyển bổ quan lại lắm khi không đúng với khả năng như “lấy quan thái y mà cử làm quan phủ huyện, kẻ thư kí mà bổ làm học quan”. Ông đề nghị để Võ (Vũ) Trọng Bình mà theo ông là “thanh liêm, cần mẫn, sáng suốt, đảm đương” phụ trách Bộ Lại để chấm dứt mối tệ hối lộ trong việc bổ dụng, làm cho sĩ phu phấn chấn hơn.
Thiết tha với vận mệnh đất nước, trăn trở với các chính sách đối nội, đối ngoại, ông lại càng tỏ ra biết nhận xét và đánh giá được tài năng, sở trường, sở đoản của các quan nên được Tự Đức rất tin cẩn. Nhà vua đã yêu cầu Nguyễn Văn Tường có nhận xét về các triều thần và biên thần một cách có trách nhiệm. Thật là thú vị khi chúng ta có được một đánh giá khá sắc sảo và nghiêm túc của một người đương thời về các quan triều Nguyễn. Trong hai bản tấu ngày 7 tháng sáu và ngày 20 tháng sáu năm Quý dậu (1873), Nguyễn Văn Tường đã lần lượt có nhận xét về Phạm Phú Thứ, Phan Đình Bình, Võø (Vũõ) Khoa, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ, Nguyễn Oai (Uy), Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Đình Thi, Trần Thiện Chính, Đinh Hội, Hoàng Kế Viêm...
Hãy lấy một số ví dụ:

- “Thống đốc Hoàng Kế Viêm bản chất trầm trọng, bao dung, vốn có tài lâm cơ đoán định, lay chuyển chẳng dời, được xem là một tay đảm đương vậy”.

- “Đoàn Thọ trung hậu, siêng năng, cẩn thận mà không đủ quyết đoán. Cho nên đều là tướng lược mà sở trường đều không, vì thế mà khó nên việc”.

- “Phạm Phú Thứ, học thức đã giỏi, từng trải đã lâu, xử trí các việc rắc rối, chuyển xoay hiệu nghiệm. Trước dự vào việc tuyển cử, có ít người nói là nối được việc, chuyên giỏi tính toán, công luận khá yên”.

- “Nguyễn Tư Giản, học vấn sâu rộng, nghị luận thông suốt, mà tài năng liệu việc, thần chưa được thấy”.

Nhận xét như thế nhưng ông cũng cho rằng “việc nghe thấy cũng không phải là bằng cớ xác đáng” và con người “tùy môi trường mà đổi tiết, tùy chỗ dùng mà thấy sở trường, thực khó phẩm bình”.

Vấn đề lương giáo hiềm khích cũng là một vấn đề khá tế nhị, phải có cách giải quyết trên căn bản lợi ích của đất nước chứ không phải vì định kiến tôn giáo. Dưới mắt tín đồ Thiên Chúa giáo đương thời, Nguyễn Văn Tường được xem là người, cùng Tôn Thất Thuyết, chủ trương sát tả. Chúng ta sẽ không tìm thấy điều ấy trong các bản tường trình về xung đột lương giáo sau ngày Francis Garnier chiếm Hà Nội. Nguyễn Văn Tường xem xét sự việc dưới góc độ chính trị và tìm một biện pháp để dập tắt xung đột mà ông hiểu là chỉ có hại cho đất nước.

- “Việc lương đạo thù nhau, thần đã từng lấy làm lo. Đã cho đạo binh kinh lược đi nhanh để trấn áp và tư cho các tỉnh bắt giữ, phủ dụ, khiến cho cùng yên... Thần trộm xét sự thế Bắc Kì dần dần sẽ xong, chỉ có việc lương đạo không yên làm cho các việc nhân đó mà đổi khác”.
(Tấu, ngày 5.12 Quý dậu, 1873).

- “Nay mai việc lương đạo ở các tỉnh khá yên, chỉ còn lại vài tên côn đồ thì đã có đạo binh của quan kinh lược tùy cơ tiễu trừ, phủ dụ ít lâu sẽ xong. Duy thần trộm nghĩ, muốn việc về sau được tốt đẹp thì nên xem chuyện lương đạo là rất quan trọng. Kẻ gánh vác công việc phải [bằng – nbs.] nhiều cách thể hiểu dụ, dạy bảo khiến cho người ta trông cậy ở mình mà không sợ hãi, tin mình mà không nghi, mới có thể cùng quay về điều tốt đẹp”.

Một người có suy nghĩ sâu như thế, phân tích tình hình một cách sáng suốt như thế không phải là kẻ âm mưu tàn sát đồng bào của mình chỉ vì họ là giáo dân, một cách mù quáng.

Càng đọc những trang châu bản đã được tập hợp trong Nam Kì tấu nghị, Bắc Kì tấu nghị ta càng rõ những hành động của ông, tư tưởng của ông. Đúng như lời nhận định ghi trong gia phả: việc kinh bang tế thế phát thành văn chương. Ở từng trang, chúng ta có thể nhận ra tài năng của một đại thần quán xuyến nhiều mặt: chính trị, hành chính, quân sự... Ý tưởng rõ ràng, lập luận khúc chiết, lí giải thuyết phục là những sở trường của ông. Nhưng trên tất cả là tấm lòng trung quân ái quốc của ông. Tiếc thay tài năng của ông không xoay chuyển được thời cục, vận nước. Vua Tự Đức đã nhận trách nhiệm về mình. Nền giáo dục từ chương khoa cử lại quá thiên về đào tạo phẩm hạnh cũng có phần trách nhiệm của nó (6). Nguyên nhân thì có nhiều, đôi khi đan xen vào nhau. Nhưng nếu chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh của Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường... rồi thử đề ra một chính sách khả thi về chính trị, quân sự, tài chính để đưa một đất nước kinh tế nông nghiệp lạc hậu hồi đó thoát ra khỏi họa xâm lăng của đế quốc phương Tây đang hồi cực thịnh hẳn không phải là dễ (7). Và có lẽ, trong mối cảm thông với người đi trước, chúng ta sẽ hiểu quá khứ hơn, chia sẻ những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, hiểu được cái bi kịch “lực bất tòng tâm” của những Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến... ở hoàn cảnh thế cùng lực kiệt. Và lịch sử vốn là một người thầy, sẽ giúp chúng ta khôn ngoan hơn trong hiện tại.

T.V.N.

(Trích từ “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập”, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển sưu tầm, giới thiệu, phiên âm, dịch [mới 45 bài], tư liệu Hội nghị khoa học, 20.6.1996, do Trường ĐHSP. TP.HCM. chủ trì và ấn hành, từ tr. 01 đến tr. 08 ).


Chú thích:

(*) Giảng viên ĐHSP. TP. HCM., nhà nghiên cứu sử học (nhà nghiên cứu, viết tắt: Nnc).
(**) Trần Xuân An, người biên soạn (viết tắt: nbs.).

(1) Xin xem chú thích (1), (2), (4) bản dịch nghĩa bài thơ số 14; và chú thích (16) của bản dịch nghĩa bài thơ số 56 (xem mục lục sách này (1a)).

(2) Tháng 6 âm lịch (1875), đổi bổ thượng thư Bộ Hộ (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 211), [xem bảng tên sách viết tắt]. Vào năm 1878, thăng thự [thụ?] hiệp biện đại học sĩ (ĐNTL.CB., tập 34, sđd., tr. 98).

(3) Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã công bố thêm các bài viết: “Nguyễn Văn Tường trong hai biến cố tứ nguyệt tam vương và thất thủ kinh đô” (trong tập Các báo cáo khoa học, tư liệu Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), 02. 7. 2002, TT. KHXH. & NV. Viện Đại học Huế, Hội KHLS. Thừa Thiên – Huế chủ trì và ấn hành, tr. 42 - 58) và các bài báo khác trên tạp chí Xưa & Nay, như “Những tư liệu mới về Nguyễn Văn Tường” [giới thiệu, phân tích, bổ sung tư liệu sưu tầm, dịch thuật của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Tường, và con gái bà là Trần Nguyễn Từ Vân], bns. Xưa & Nay, số 126 (174) tháng 10. 2002, tr. 18 – 20. Đồng thời, xin xem sách này, về hai câu thơ đã được nha nghiên cứu Trần Viết Ngạc trích dẫn ở bài viết trên, liền theo bài “Giải triều...”, cùng hai đôi câu đối khác; và quan trọng nhất là xem thêm bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” của Trần Xuân An (tức là bài “Vài chủ điểm sử học sơ lược cần thiết khi cảm nhận bài “Giải triều …””). Cũng có thể vui lòng tìm xem bài “Bi kịch ở điểm đỉnh mâu thuẫn 1883 – 1884 và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước”, đã được đăng tải trên tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội KHLS. VN.), số 118 tháng 6.2002, tr. 18 – 19, xem tiếp tr. 23 – 24.

(4) QTHKL., sđd., tr. 614 (số thứ tự: 4808), tr. 613 (stt.: 4807), tr. 660 (stt.: 5183), và Nguyễn Tuy (tr. 632, stt.: 4952).

(5) Xin lưu ý câu giới thiệu cho đoạn trích dẫn, ở bên trên.

(6) Mục tiêu giáo dục thiếu cân đối, không toàn diện. Biết rằng giáo dục đạo đức (cái hư: trừu tượng, thuộc về tinh thần – văn hóa) là rất quan trọng, nhưng ít chú trọng đến khoa học, kĩ thuật (cái thực: cụ thể, thuộc về vật chất, thực tiễn – văn minh cơ khí...) là sai lầm lớn của nền giáo dục thời phong kiến ở phương Đông – châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Sự thất bại, bị xâm lược của các nước Á – Phi – Mỹ la tinh trước các nước thực dân, đế quốc Âu – Bắc Mỹ, trước hết và duy nhất là bởi nguyên nhân ấy. Thời bấy giờ Nguyễn Văn Tường đã nhận định sâu sắc về điểm này: “Thần thường tiếp người các nước Thanh [Trung Hoa – nbs.], Tây [Pháp, Tây Ban Nha – nbs.], họ há tất cả đều là siêu việt cả sao, chỉ vì họ thì lấy điều thực mà làm, còn ta thì lấy điều hư để ứng phó. Lấy thực đối với hư, thì mạnh, yếu đã phân định rõ”. Nhận định ấy còn làm sáng tỏ một khía cạnh: trong các nước châu Á, người Thanh (Trung Hoa) còn có óc thực tiễn hơn cả người Việt! Nguyễn Văn Tường đã nhìn thẳng vào nhược điểm của nền giáo dục phong kiến nước ta, con người Việt Nam chúng ta, với niềm tự tin về sức mạnh tiềm năng của dân tộc. Do đó, Nguyễn Văn Tường đã có nguyện vọng và hành động canh tân đất nước, như mua sách Tây, mua súng Tây về tiến dâng lên vua Tự Đức, đề nghị đưa người đi học ngoại ngữ, mở rộng ngoại giao, phát triển ngoại thương, lưu thông hàng hóa, cho dựng tiệm nhiếp ảnh cạnh Thương bạc viện, cải cách thuế ruộng công và ruộng tư trên cơ sở vì quyền lợi của người nông dân nghèo, đào sông làm đường thủy xuyên Việt... (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 42, 110, 111, 116, 313; tập 34, sđd., tr. 109 - 110, 126 - 128, 165 - 166 [Tự Đức và báo chí Hương Cảng], 332, 388...). Những nỗ lực canh tân ấy của Tự Đức và Nguyễn Văn Tường cùng các quan đều bị thực dân Pháp ngăn cản, cấm vận, bao vây về ngoại giao, hoặc giúp đỡ một cách giả dối, và có những việc không thực hiện được vì thiếu ngân sách, vì sức ì trong tập quán của một nước nông nghiệp lúa nước (vốn ngại di chuyển, “trọng nông ức thương”...). Chúng tôi xin phép chú thích thêm để góp phần làm sáng tỏ và nhấn mạnh.

(7) Xin khảo sát lịch sử hai nước lớn nhất châu Á là Ấn Độ, Trung Quốc. Trên cơ sở đó, hẳn ai cũng thử so sánh điều kiện hiện thực lịch sử, thử so sánh các nhân vật lịch sử cùng thời (sống và hoạt động trong thế kỉ XIX và chủ yếu là nửa sau thế kỉ XIX) của nước ta và của các nước ấy, theo quan điểm so sánh đồng đại, quan điểm lịch sử – cụ thể.


Cước chú của bài Nguyễn Văn Tường, qua châu bản triều Nguyễn – Nnc. Trần Viết Ngạc:
(1a) Các chú thích đề nghị xem thêm các tư liệu hoặc các ý tưởng thuộc sách này, chúng tôi (TXA., nbs.) không ghi thêm số trang và sách dẫn. Xin vui lòng xem mục lục ở phần cuối sách. Về bài “Giải triều…” cùng hai câu thơ bổ sung, ba câu đối “Tự trào”, “Điếu Bùi Viện”, “Thượng đồ trình…”…, vốn không thuộc phần Thi tập, mà chính là phần ngoài Thi tập. Đó là các câu, các bài tuy đã công bố, vẫn là những sáng tác chủ yếu được Nguyễn Văn Tường viết vào những thời điểm sau thời điểm sáng tác Thi tập, đặc biệt là sau cuộc kinh đô quật khởi và thất thủ (05. 7. 1885).



NGUYỄN VĂN TƯỜNG
TRONG BIẾN CỐ
“TỨ NGUYỆT TAM VƯƠNG”

(trích)

Nnc.Trần Viết Ngạc

Lời người biên soạn: Bài tham luận khoa học này của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, đã in trọn vẹn trong tập Các báo cáo khoa học của Hội thảo sử học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), đồng thời cũng đã được chính ông trình bày trên diễn đàn trong hội thảo ấy, vào ngày 02-7-2002, tại Huế. Tham luận vốn có tên là “Nguyễn Văn Tường trong hai biến cố tứ nguyệt tam vương và thất thủ kinh đô”. Chúng tôi mạn phép nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, chỉ trích một phần của bài viết, phù hợp với chủ kiến của cuốn sách này, để làm rõ hơn một ý tưởng khá dễ bị ngộ nhận trong bài nghiên cứu trước của ông, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) qua châu bản triều Nguyễn”. TXA.


1.

Vua Tự Đức lên ngôi lúc 18 tuổi, thể chất bạc nhược, yêu văn thơ, thiếu quyết đoán và không có cái nhìn xa, tiên liệu tình hình tương lai để vạch kế hoạch đối phó. Chính nhà vua tự nhận xét:

“Trẫm còn nhỏ tuổi, được lên ngôi báu, nhờ được tổ ấm, Nhà nước toàn thịnh, việc nước, việc đời chưa từng để ý, không hiểu lời dặn “ở lúc yên phải nghĩ đến lúc nguy”, đam mê theo sự vui chơi… Không có kế hoạch giỏi hay. Cứ việc tới thì lo mà không giúp ích gì cho việc” (1).

Dù rất chăm lo việc nước, nhiều lúc bị ngập trong công việc, Tự Đức vẫn không tìm được biện pháp chấn hưng đất nước và chống xâm lăng hiệu quả.

Ở ngôi 36 năm, nhà vua chứng kiến hết thất bại này đến thất bại khác về quân sự và ngoại giao. Bất lực và vô vọng nhưng lại ý thúc rất rõ về trách nhiệm của mình về sự suy vong của đất nước, Tự Đức chỉ còn cách tự dày vò và than thở:

“Gắng gượng theo mưu kế của người lão thành, mất cả đất đai và dân chúng cả sáu tỉnh Nam Kỳ, để cầu cho khỏi việc chiến tranh và được an thiên hạ. Cơ nghiệp sáng lập và giữ gìn hơn hai trăm năm nhất đán bỏ mất, thực là tội của tiểu tử này không thể nói xiết. Dù cho có làm được công đức cũng không thể chuộc được tội lỗi. Huống hồ, trẫm không công, không đức, chỉ trơ mặt ngồi suông, lần lữa đến ngày già yếu; tuy người ta không nỡ trách ta, song lòng ta cũng không sao yên được.
… Trông lên cúi xuống, sống đã không mặt mũi nào, chết cũng không nhắm mắt” (2).

Cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, Tự Đức vẫn không sao tìm được một giải pháp cho tình hình đất nước mỗi lúc một nguy nan. Thiếu năng lực quyết đoán trong một tình hình đòi hỏi phải quyết đoán kịp thời, di chiếu của Tự Đức phản ánh điều đó.
Tự Đức không có con nối dõi, phải nuôi ba người cháu làm con nuôi nhưng không có ai xứng đáng để kế vị.

Ưng Chân, hoàng trưởng tử, lớn tuổi, có học, chính danh đã lâu nhưng “mắt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ lâu không sáng. Tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn” (3) (Đản vi hữu mục tật, bí nhi bất tuyệt, cữu khủng bất minh, tính phả hiếu dâm, diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự).
Con nuôi thứ hai là Ưng Kỷ, “người yếu hay ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng cuả người, […] đều không phải tư chất thuần lương, theo lời phải, sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được” (4).

Hoàng tử thứ ba là Ưng Đăng, “hầu hạ cẩn thận, biết sợ, dạy được, chưa thấy có việc gì, nhưng tuổi còn ít, đường học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu” (5).

Không thể không chỉ định người kế vị, bất đắc dĩ Tự Đức phải chọn Ưng Chân vì một lý do duy nhất:

“Nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này không dùng hắn thì dùng ai?” (3) (Quốc hữu trưởng quân, xã tắc chi phúc, xã thử, tương hà dĩ tai).

Điều đáng nói ở đây là tất cả nỗi băn khoăn, phân vân ấy được vua ghi đầy đủ trong bản di chiếu mà theo quy định được tuyên đọc cho tất cả văn võ bá quan cùng biết trong buổi lễ đăng quang của tân vương.

Sự băn khoăn của nhà vua còn thể hiện trong việc đặt các phụ chính đại thần. Ba vị phụ chính là ba khuynh hướng chính trị, ba tính cách, khá cách biệt về tuổi đời và thâm niên công vụ ở triều đình.

Trần Tiễn Thành, đệ nhất phụ chính, bảy mươi tuổi, làm quan trải ba triều, được Tự Đức kính trọng và yêu mến, cất nhắc đến tước vị cao nhất: Văn Minh điện đại học sĩ, quản lý Binh bộ sự vụ. Ông là người chủ hoà.

Đệ nhị phụ chính Nguyễn Văn Tường, năm mươi chín tuổi, Cần Chánh điện đại học sĩ lãnh Hộ bộ thượng thư. Ông là người khôn ngoan, có tài trí về nội trị và ngoại giao, chủ trương dùng ngoại giao để tạm thời hoà hoãn, mua thời gian để thực hiện kế hoạch chống Pháp lâu dài.

Đệ tam phụ chính Tôn Thất Thuyết, bốn mươi bốn tuổi, mới về triều giữ chức thượng thư Bộ Binh đầu năm 1882, và chỉ vào Viện Cơ mật trước lúc vua Tự Đức băng hà.

Ngoài ba vị phụ chính, nhà vua còn trông cậy vào trấn Bắc đại tướng quân Hoàng Tá Viêm và hai vị hoàng thúc Miên Định và Miên Trinh (Tuy Lý quận vương). Cả hai hoàng thân này đều chủ hoà, muốn thoả hiệp với Pháp như ta sẽ thấy về sau.

2.

Được chỉ định nối ngôi, Ưng Chân (Dục Đức) vội vã củng cố thế lực: đưa bọn tâm phúc Nguyễn Như Khuê vào điện Hoàng Phúc và sở Quang Minh, cấp thẻ bài riêng cho chúng để được tự do ra vào cung cấm. Dục Đức lại vi phạm quy chế sinh hoạt triều đình và nghi lễ tế tự khi giữ lại qua đêm trong điện các tờ tấu khẩn cấp của các quân thứ, sai chế các đồ dùng riêng, mặc áo sắc lục lúc làm lễ điện (6). Quan trọng hơn cả là việc Dục Đức tiếp linh mục Thơ, làm cho triều thần nghi ngại.

“Linh mục Thơ, người làng Cao Xá, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị, sinh năm 1835 tại Mỹ Hương, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, vào Quảng Trị cùng gia đình. Từ năm 1842 đến năm 1845 ( 7 đến 10 tuổi), ông học chữ Nho ở Quảng Trị rồi theo cậu là linh mục Phan Văn Thận vào Quảng Nam học tiếng La Tinh, và vào Gò Thị (Bình Định) ở với giám mục St. Cuénot, thường gọi là đức cha Thể. Từ tháng 5.1847 đến tháng 8.1853 (12 tuổi đến 18 tuổi) ông theo học ở chủng viện Pénang (Mã Lai) . Sau đó ông về Huế tiếp tục học thần học với đức cha Phan (giám mục Pellerin). Tháng 5.1864 (19 tuổi), theo đức cha Bình (Sohier) sang Pháp học, và thụ phong linh mục ở Chủng viện Le Mans từ 1867 đến 1873; trở về Huế làm quản lý cho giáo phận và làm thư ký cho giám mục Sohier rồi cha xứ Kim Long, Huế. 1873, làm thông ngôn cho sứ bộ thương thuyết với Pháp ở Sài Gòn …
Thời gian ở Huế ông thường tiếp hoàng tử Ưng Chân tại nhà riêng và dạy cho hoàng tử tiếng Pháp… Dục Đức muốn chọn ông làm thư ký riêng (7). Cũng trong thời gian còn là hoàng tử, Ưng Chân đã có mối giao hảo với Toà Khâm sứ Pháp. Chính do mối “ân tình” đó mà Rheinart sau này đã đặt con của Dục Đức là Bửu Lân lên ngôi sau khi Đồng Khánh băng hà (1888)” (8).

Trong tình hình như thế thì chính Dục Đức đã phạm một sai lầm lớn là sửa đổi di chiếu của Tự Đức, tạo nguyên cớ chính đáng để cho hai phụ chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cùng triều thần làm tờ tâu lên thái hậu Từ Dụ, phế Dục Đức.

Tự quân chưa chính ngôi trời
Chiếu thư lại cải quên lời sách x
ưa
(Hạnh Thục ca)

Hồng Dật, 36 tuổi, con út vua Thiệu Trị, được triều thần tôn lên ngôi, đặt niên hiệu là Hiệp Hoà.

Điều không ai ngờ đến là Hồng Dật, dưới sự tác động của các hoàng thân, quan lại chủ hòa và của chính khâm sứ Pháp De Champeaux, còn đi xa hơn cả Dục Đức, thoả hiệp với Pháp vô điều kiện, tìm cách loại trừ các đại thần chống Pháp; và Hiệp Hoà đã cho ký hoà ước nhục nhã: hoà ước Quý mùi (25.8.1883).

Trần Tiễn Thành bị đình nghị về tội sửa đổi di chiếu, chiểu luật “truyền tả chế thư sai lầm”, bị xử tội trượng, cách chức, nhưng Hiệp Hoà chỉ phạt Trần Tiễn Thành giáng hai cấp, lưu.

Tuy Lý vương lui tới Sứ quán Pháp một cách trái phép, bị Viện Cơ mật và Viện Thương bạc tâu lên vua. Hiệp Hòa trả lời: “Thân vương ấy tuổi cao đức tốt, lại có học thức, thật là người yêu nước, trung thành, tưởng không ngại gì” và “về sau có thăm hỏi hay bàn bạc gì, chuẩn cho thân vương ấy cùng đi với đình thần” (9).

Nội dung trao đổi với Tuy Lý vương và khâm sứ Pháp, được một tư liệu lưu trữ của Pháp liết lộ:

“Theo một điện tín của thống đốc Nam Kỳ gửi bộ trưởng Hải quân ngày 10 tháng 12 năm 1883, Hiệp Hoà bày tỏ trong mọi lúc cảm tình của ông ta đối với Pháp. Ông đã bí mật phái chú là Tuy Lý vương đến Toà Sứ Pháp để hỏi De Champeaux là nếu trong trường hợp có biến động, ông có được Pháp giúp đỡ không? De Champeaux trả lời có, và nhiệt thành khuyến khích ông chống lại cận thần. Cuộc viếng thăm này làm triều đình lo ngại, họ làm đủ mọi cách để biết nội dung câu chuyện nhưng vô ích” (10).

Cùng với Trần Tiễn Thành và Miên Trinh, một số quan lại và công tử được cất nhắc như thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp, thượng thư Bộ Công Trần Văn Chuẩn, Hồng Tu, Hồng Phì, Hồng Sâm.

Song song với việc củng cố thế lực, Hiệp Hoà thi hành những biện pháp hạn chế quyền hành của hai vị phụ chính: Các tờ tâu của sáu bộ giao thẳng cho Nội các xét duyệt, không qua hai vị phụ chính như trước (11). Hiệp Hòa còn ngầm xui hai vị phụ chính loại trừ lẫn nhau. Kế ly gián bất thành, Hiệp Hòa liền mưu với Trần Tiễn Thành, Tuy Lý vương, Hồng Phì, Hồng Tu, Hồng Sâm loại trừ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường (12).

Điều tệ hại nhất dẫn đến việc phế Hiệp Hòa là việc nhượng bộ thực dân Pháp vô điều kiện, thái độ thỏa hiệp hèn yếu trước những hành động bức hiếp của Pháp đối với quan lại ở Bắc Kỳ, và liên kết với Pháp để bức hại đại thần.

Lên ngôi chưa được bao lâu, Hiệp Hòa được tin báo quân Pháp chuẩn bị đánh Huế, liền cử tham tri Bộ Binh Nguyễn Thành Ý cùng viên thông ngôn Nguyễn Cư xuống cửa biển Thuận An để… chuẩn bị thương thuyết! Quân Pháp đến cửa Tư Hiền thám sát, đo đạc. Việc tâu lên, Hiệp Hòa ra lệnh không can thiệp, tránh gây hiềm khích với Pháp. Khi biết hải quân Pháp tập trung ở Đà Nẵng để chuẩn bị tấn công Thuận An, Hiệp Hòa sai chưởng vệ Nguyễn Văn Sỹ giao cho Tôn Thất Thuyết một cờ lệnh và ngự bài binh sự với lời căn dặn:

“Nếu giảng hòa được, cũng nên tòng quyền làm kế hoãn binh… Nếu cậy khỏe, hiếu thắng, không biết cơ nghi, tất phải trách cứ rất nặng” (13).

Đó là cách Hiệp Hòa chuẩn bị trước khi Pháp tấn công Thuận An! Pháp không chấp nhận nói chuyện với Nguyễn Thành Ý, tấn công và hạ thành Trấn Hải, Hiệp Hòa liền phái Lâm Hoành và Trần Thúc Nhẫn thay Nguyễn Thành Ý nhưng không thể tiếp xúc với Pháp. Lâm Hoành hy sinh cùng với Lê Sĩ, Lê Chuẩn, Nguyễn Trung, còn Trần Thúc Nhẫn tự tử.
Hiệp Hòa sai thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp xuống ngay Thuận An để thương thuyết, kết qủa là hoà ước Quý mùi được ký kết (25.8.1883) với những điều khoản mà chính Hiệp Hòa cũng thừa nhận là quá nặng nề và nhục nhã:

“Những khoản trong hoà ước, có nhiều điều bị kém, bị nhục khó chịu. Đáng lẽ là không nghe nhưng vì Từ Cung tuổi già, linh cửu tiên đế chưa chôn, lòng trẫm rất không yên” (Dụ ra lệnh rút quân ở Bắc Kỳ) (14).

Trong vòng hai tháng, Hiệp Hòa 4 lần cho dụ các quân thứ ở Bắc Kỳ phải rút quân và phái một đoàn khâm sai do Nguyễn Trọng Hợp cầm đầu ra Bắc cùng Pháp thi hành hòa ước mà Hiệp Hòa phải triệu dụng hưu quan Trần Đình Túc cùng với Nguyễn Trọng Hợp ký kết (15).

Hiệp Hòa mắng sinh viên và quan chức Quốc tử giám là “cầu tiếng trung nghĩa, học thói điêu ngoa, đáng chán, đáng giận!”, khi họ xin đầu quân đi đánh giặc! (16).
Quân thứ Sơn Tây đánh thắng quân Pháp ở Hương Canh và Phù Diễn, bắn chết và chém hơn 200 tên giặc, báo tiệp về kinh, Hiệp Hoà buồn và nói:

“Lang sói đương nhông nháo, bắt làm gì đám cầy cáo, xem tờ tâu cũng không biết là mừng” (17).

Thái độ của vua Hiệp Hoà đã khuyến khích bọn Pháp bức bách các quan ta ở Bắc Kỳ. Chưa bao giờ quan lại triều đình bị sỉ nhục đến như thế:

- Tri huyện An Dương (Hải Dương) Trần Đôn bị Pháp bắt đem xuống thuyền chở về tỉnh. Trần Đôn không chịu nhục, nhảy xuống sông tự tử (18).

- Tuần vũ Hải Dương Nguyễn Văn Phong, tuần phủ Quảng Yên Hoàng Vỹ bị Pháp bắt đưa về Gia Định.

- Pháp bắn chết tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Văn Thận.

- Bố chính Hải Dương Vũ Túc bị Pháp làm nhục đến tức uất mà chết (19).

- Viên công sứ Pháp ở Ninh Bình triệt hạ phủ thành mới là An Khánh, chiếm đoạt tài sản và giấy tờ, bắt dân phải khai nộp sổ đinh điền. Nơi nào không nộp thì chúng bắt đánh tri phủ. Chúng bắt bố chính Ninh Bình đem trói ở núi Dục Thúy. Tuần phủ Tôn Thất Uy và chánh phó lãnh binh phải bỏ thành ra ở với dân (20).

- Giáo mục Trần Lục, thông mưu với Pháp, mộ nhiều giáo dân và hàng nghìn tên vô lại, chận đường trạm ở Phát Diệm, bắt dịch phu để cướp lấy công văn. Các quan phải theo đường phủ Nho Quan để chuyển công văn về triều (21).

Trước những sự việc như vậy mà Hiệp Hòa và Toà Khâm sứ vẫn giao thiệp một cách hoà hảo (!):

- Tháng 10. 1883, nhà vua tặng kim tiền và ngân tiền cho khâm sứ Pháp cùng bọn thông ngôn, ký lục.

- Pháp yêu cầu được xem tờ biểu cáo tang của triều đình gởi nhà Thanh cùng bản chính phúc thư của tuần phủ Quảng Tây, vua sai Viện Cơ mật và Viện Thương bạc soạn giao cho Pháp xem (22).

- Khâm sứ pháp tặng nhà vua bội tinh hạng nhất kèm thu nhiều phẩm vật, mời Tuy Lý vương đến Toà Khâm sứ và và sau đó nhà vua tiếp khâm sứ Pháp tại điện Văn Minh (23).
Trước tình hình vua càng lúc càng dấn sâu vào con đường thoả hiệp với Pháp, đi ngược lại quyền lợi dân tộc, các quan theo đường lối chủ chiến rất khó khăn để bảo vệ đất nước. Ngay từ tháng 9.1883, Tôn Thất Thuyết xin thôi chức thượng thư Bộ Binh để chữa bệnh. Hiệp Hoà cử Tôn Thất Thuyết qua Bộ Lễ và sau đó làm thượng thư Bộ Lại. Địa vị phụ chính chỉ còn là hư vị .

Trong hành động, Hiệp Hoà và phe nhóm không còn uý kỵ gì hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Hồng Tham, tham biện Nội các, và Hồng Phì, tham tri Bộ Lại, đều có tờ mật tâu xin Hiệp Hoà loại bỏ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường (24).
Bất mãn và ngấm ngầm phản đối lại chính sách thoả hiệp với thực dân của Hiệp Hoà trước hết là những người chỉ huy quân đội: các lực lượng tại Bắc Kỳ và tại Huế. Các mệnh lệnh của Hiệp Hoà bắt buộc thi hành hoà ước Quý mùi đã không được các quân thứ ở Bắc Kỳ tuân thủ. Trong bốn đạo dụ ra lệnh rút quân ở Bắc Kỳ và thi hành hoà ước Quý mùi luôn luôn nhà vua phải phân trần, giãi bày rằng, sở dĩ hoà ước “có nhiều khoản rất không thể [chấp nhận] được, có nhiều điều bị kém, bị nhục khó chịu, nhiều điều chưa rõ, sẽ bàn lại sau” là vì:

- “Quan tài tiên đế chưa được an táng. Từ Dụ thái hoàng thái hậu và hoàng thái phi tuổi nhiều, già yếu, đương lúc thương xót mà gặp biến cố như thế (lần 1).

- Vì Từ cung tuổi già và linh cữu tiên đế chưa được chôn (lần 2).

- Thế lực kẻ mạnh người yếu, không làm sao được (lần 3).

- Từ khi Bắc Kỳ có việc chiến tranh đến nay, dân binh khó nhọc, chi tiêu cùng tốn. Vừa rồi người Pháp lại đưa thư xin hoà, trẫm không nỡ để dân binh mắc nạn” (lần 4).
Rồi căn dặn:

“Chớ vin công nghị, theo ý kiến riêng, để lo cho quân phụ làm gì (lần 1); như thế mới hợp thời thế (lần 2); chớ trái mệnh của trẫm. Nếu cố chấp ý kiến riêng mà bàn khác đi, thì một góc xa xôi nếu có thể chắc là giữ được, nhưng còn kinh sư, tôn miếu xã tắc thì làm thế nào? (lần 3). Nếu cố chấp ý kiến riêng làm cho lo ngại thì quyết khó lòng tránh khỏi lỗi lầm” (lần 4).

Lý lẽ rõ ràng không có sức thuyết phục. Nhân dân các tỉnh gần kinh đô là Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình không hiểu nổi chính sách của Hiệp Hòa, đã “mang túi, đội hòm, cõng trẻ, dắt già, tự đem nhau chạy trốn” (25). Hiệp Hoà phải ra lệnh chém đầu những ai nói bậy, làm rối loạn dân chúng. Song không chỉ thế, vào tháng 11.1883, thân hào và xã dân ở các tỉnh Thừa thiên, Quảng Trị “đã cùng nhau đoàn kết chiêu mộ dân dũng”.
Dù có lệnh cấm của triều đình, các đoàn dân dũng đã được thành lập ở nông thôn, và Tôn Thất Thuyết đã bí mật uỷ cho Kỳ Nội hầu Hồng Chuyên và phò mã Đặng Huy Cát tập hợp và chỉ huy họ (26).

Chính lực lượng dân dũng (hay hương dũng) này là lực lượng chủ yếu án ngữ ở mặt nam sông Hương, đề phòng sự can thiệp của Pháp vào đêm phế bỏ Hiệp Hoà.

Tình hình quả đã chín muồi để đi đến một xung đột tất yếu, hoặc Hiệp Hoà với nhóm hoàng thân và bọn quan lại chủ hoà, với sự trợ lực của Pháp sẽ gạt bỏ Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… , hoặc Hiệp Hoà sẽ bị truất phế để triều đình củng cố lại nhân sự, hoạch định và thi hành một chính sách chấn hưng đất nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc đang trải qua những thử thách lớn lao.

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bí mật liên kết với những phần tử bất mãn với đường lối thân Pháp của Hiệp Hoà và tổ chức việc truất phế Hiệp Hoà một cách bất ngờ, nhanh chóng, khiến Hiệp Hoà không kịp trở tay và người Pháp không kịp can thiệp. Cũng như việc phế Dục Đức, việc phế Hiệp Hoà phải hội đủ các điều kiện:

- Được dự đồng ý của triều thần và Tôn nhân phủ

- Được sự đồng ý và chuẩn thuận của thái hoàng thái hậu Từ Dụ.

Hiệp Hoà vào thời điểm đó đã củng cố được thế lực khá nhanh trong triều với Trần Tiễn Thành, Tuy Lý Vương, thượng thư Nguyễn Trọng Hợp, thượng thư Trần Văn Chuẩn cùng các hoàng thân Miên Tằng, Miên Triệu, Hồng Sâm (hay Tham), Hồng Phì… Và bên kia sông Hương (Toà Khâm), ngay trong kinh thành (Mang Cá) và ở Thuận An, lực lượng Pháp sẵn sàng can thiệp như đã mật ước.

Vào đêm 29 tháng 10 năm Quý mùi (28.11.1883) Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã tiến hành lật đổ Hiệp Hoà theo một kế hoạch đã được bàn định rất tỉ mỉ.

Đầu hôm, lấy cớ ngoài thành có dấu hiệu bất thường, qua trực thần, Tôn Thất Thuyết xin điểm biền binh để phòng bị, đóng các cửa thành và đích thân Tôn Thất Thuyết thu giữ tất cả chìa khoá. Vào canh hai, Thuyết phát hổ phù, tập hợp tất cả dân dũng trung thành ở bờ nam sông Hương. Ông Ích Khiêm và Trương Văn Đễ điều động quân lính tập trung ở Sở Tịch điền. Làm chủ quân đội, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cho mời triều thần họp ở công đường Bộ Hộ. Tại đây, hai vị phụ chính trình bày với bách quan lý do phế bỏ Hiệp Hoà:

“Lãng Quốc công từ lúc nối ngôi đến nay làm việc phần nhiều trái phép cũ, lại gần gũi người bậy, mọi người đều không phục” (26b).

Và đề nghị đưa hoàng tử thứ ba Ưng Đăng lên ngôi. Các quan không ai có ý kiến phản đối. Một tờ tâu gửi lên thái hoàng thái hậu Từ Dụ được soạn thảo và các quan có mặt đều ký tên. Sau đó, các quan cùng đến tập họp ở Sở Tịch điền.

Hậu quân Nguyễn Hanh và thị lang Bộ Binh Lê Đại đảm trách việc rước hoàng tử Ưng Đăng ở Khiêm lăng về Điện Quan canh ở Sở Tịch điền. Hai vị phụ chính và bá quan vào lạy mừng. Đến sáng rõ, Thuyết cho mời các trực thần đến họp. Quá trưa Ưng Đăng được đón về Viện Cơ mật, và Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đem tờ tâu của bách quan dâng lên thái hoàng thái hậu. Các hoàng thân cũng được triệu tập để nghe thông báo tình hình.

Đến sáng, Hiệp Hoà cho gọi trực thần, không thấy có người nào, mới biết là có chính biến. Nhà vua liền viết chiếu nhường ngôi để sẵn. Tuy Lý vương, Hồng Tu, Hồng Sâm ở ngoài thành nghe tin bèn đem gia quyến chạy xuống Thuận An cầu cứu với quân Pháp. Các hoàng thân Miên Triệu, Miên Tông bỏ trốn.

Kinh đô hoàn toàn yên tĩnh. Toà Khâm sứ hoàn toàn bị bất ngờ nên không có phản ứng kịp thời. Hiệp Hoà đành phái thái giám Trần Đạt chuyển chiếu nhường ngôi cho triều thần với yêu cầu đuợc trở về phủ cũ ở Phú Xuân.

Chính việc bí mật liên minh với Pháp đã đưa Hiệp Hoà đến cái chết. Không thể để Hiệp Hoà về Phú Xuân để rồi sau đó người Pháp can thiệp, lật ngược tình thế. Ông Ích Khiêm và Trương Văn Đễ được lệnh đón Hiệp Hoà ở cửa Hiển Nhơn, đưa phế đế đến Nha Hộ thành và ép uống thuốc độc.

Hoàng tử Ưng Đăng được rước vào điện Hoàng Phúc chờ chọn ngày tốt làm lễ đăng quang.
Ngay đêm ấy, 30 tháng 10, phụ chính Trần Tiễn thành vì không đồng ý việc truất phế Hiệp Hoà, đã bị giết tại nhà riêng ở ấp Doanh Thị Trung.

Ngày 1.11 Quý mùi (30.11.1883), Hiệp Hoà được phủ Tôn Nhơn chôn cất theo nghi lễ quốc công.

Lịch sử triều đình Huế và lịch sử đấu tranh chống Pháp lật sang một trang mới. Việc lật đổ Dục Đức rồi Hiệp Hoà trong vòng hơn 4 tháng (20.6 Quý mùi đến 30.10 Quý mùi: 23.7.1883 – 29.11.1883) là những sự kiện tích cực trong một giai đoạn đầy khó khăn của Đất nước từ sau khi vua Tự Đức băng hà.

Ý nghĩa của sự phế lập mà Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng với triều thần thực hiện một cách quyết đoán sẽ dễ nhận thấy nếu ta lưu ý đến những nỗ lực cải cách và chuẩn bị chống Pháp lâu dài dưới hai triều Kiến Phúc và Hàm Nghi.

Tuy vậy, trong một thời gian dài kể từ khi vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế (1885) cho đến nay, sự thực lịch sử đã được phản ánh thiếu chân thực: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bị lên án là quyền thần độc ác, và cái tội của Dục Đức cùng Trần Tiễn Thành, lại đem gán cho hai vị phụ chính:

- “Ông Thuyết và ông Tường hùa nhau khuấy rối việc nước, hết sức lộng quyền, độc ác” (27).

- “Được ba ngày thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đổi tờ di chiếu, bỏ ông Dục Đức” (28).

Chính những xuyên tạc có chủ ý như vậy đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu không biết đến những cải cách tích cực dưới hai triều Kiến Phúc và Hàm Nghi. Các ngòi bút của Gosselin, Delvaux, Gauthier… mô tả chẳng những Dục Đức, Hiệp Hoà là những nạn nhân đáng thương của các phụ chính chuyên quyền mà Kiến Phúc, Hàm Nghi cũng chỉ là hai con rối trong tay Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Thậm chí việc vua Kiến Phúc mất vì bệnh như Đại Nam thực lục và Hạnh Thục ca ghi nhận (29) người ta cũng cố tình gán cho Nguyễn Văn Tường. Từ một chú thích ghi rằng đó là lời đồn của Trần Trọng Kim, nó trở thành một sự thực lịch sử, trong nhiều sách vở hiện nay, cả trong giáo trình đại học!

Trong chiều hướng đó, các tác giả như Trần Trọng Kim, Đào Trinh Nhất, Phạm Văn Sơn … không hề biết đến một sự thực lịch sử rất quan trọng: công cuộc chuẩn bị cho một cuộc kháng Pháp lâu dài đã được tiến hành từ sau khi Hiệp Hoà bị phế và biến cố 23 tháng 5 Ất dậu đã nổ ra là do bàn tay bức bách của thực dân Pháp mà De Courcy là người thực hiện. Phong trào Cần vương nổ ra sau ngày vua Hàm Nghi rời Huế đã được chuẩn bị dưới hai triều Kiến Phúc và Hàm Nghi.

3.

Công việc chuẩn bị cho một cuộc kháng Pháp lâu dài:

Vua Kiến Phúc lên ngôi mở đầu một thời kỳ mới, tuy ngắn ngủi (11.1883 đến 7.1885), nhưng có nhiều cải tổ tích cực.

- Vấn đề nhân sự:

Ba nhân vật đứng đầu triều đình Kiến Phúc và trở thành phụ chính dưới triều Hàm Nghi là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật nắm giữ ba bộ chủ chốt là Bộ Lại, Bộ Binh và Bộ Hộ. Quân đội do tiền hậu và tả quân Nguyễn Hanh, hữu và trung quân Hồ Văn Hiển nắm giữ. Trần Xuân Soạn chỉ huy đội quân Phấn Nghĩa.

Các quan lại thân Pháp, các hoàng thân chủ hoà bị đày hoặc bị giáng chức như Tuy Lý, Hồng Hưu. Thượng thư Bộ Công Trần Văn Chuẩn vẫn được bổ nhiệm, làm dinh diền sứ Quảng Bình, thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp (người ký hoà ước Quý mùi) bị giải chức. Kiên Giang quận công Ưng Kỷ bị giáng làm Kiên Giang hầu. Nguyễn Hữu Độ bị khiển trách vì lộng quyển ở Bắc Kỳ.

Tinh giản bộ máy ở triều đình: từ 539 người xuống còn 219. Nhờ thế mà lương bổng quan lại được tăng.

Đặc biệt là từ đầu năm Giáp thân (1884), dụ triệu dụng các tiến sĩ, phó bảng và các quan tại quán được ban hành. Tất cả những người khoa bảng, những tú tài và cử nhân đã từng làm quan nhưng vì một lý do gì đó đang ở tại quê hương đều phải lưu kinh đợi lệnh. Chính trong dịp này mà Phan Đình Phùng, Nguyễn Duy hiệu … được giao phó những trách nhiệm mới tại quê hương.

- Về quân sự:

Để chuẩn bị cho việc chống Pháp lâu dài, hệ thống sơn phòng các tỉnh được củng cố. Đường thượng đạo nối kinh đô và các sơn phòng phía bắc, phía nam được tu sửa. Thành Tân Sở (Sơn phòng Quảng Trị) và Sơn phòng Dương Yên ở Quảng Nam được củng cố và mở rộng. Vàng bạc, súng đạn, lương thực được chuyển đến Tân Sở và Dương Yên. Các sơn phòng chánh sứ được tuyển bổ. Họ sẽ là người lãnh đạo Cần vương khi hữu sự.

Các dân tộc miền núi được hưởng những ưu đãi như giảm thuế nguồn 6/10 cho Thanh Hoá, 5/10 thuế sáp ong cho Khánh Hoà, bổ dụng Cầm Bá Thước làm bang biện Thường Xuân và Lương Chánh (Thanh Hoá). Triều đình ra chỉ dụ dân Mường Vang, Nà Bồn, Thượng Kê, Xương Thịnh, Làng Thìn, Thuỷ Xá, Hoả Xá để làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến.
Để tăng cường chất lượng quân đội, các biện pháp sau đây đã được thi hành:

- Cho lính già yếu về quê.

- Nâng cao tiêu chuẩn luyện tập, bắn súng Tây.

- Lập quân Phấn Nghĩa do đề đốc Trần Xuân Soạn chỉ huy.

- Cấp tiền tuất cho số quan quân mất tích ở Thuận An. Cấp tuất và truy thưởng cho binh lính và sĩ quan hy sinh ở Thuận An và ở Bắc Kỳ.

- Kêu gọi nhân tài ra giúp nước (chiếu lên ngôi), mở các ân khoa hương thí tại Bình Định, Thừa Thiên, Thanh Nghệ (1884), ân khoa thi hội (Ất dậu), kêu gọi đoàn kết lương – giáo (dụ cho Đạo Bình).

Tất cả những sự việc đó được thực hiện từ tháng 10 Qúy mùi (1883) đến tháng 5 Aát dậu (1885). Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật là những người lãnh đạo *.

4.

Sự kiện thất thủ kinh đô (23 tháng 5 Ất dậu: 5.7.1885):

Thông thường sách sử thường cho rằng Tôn Thất Thuyết đã chủ động trong biến cố 23.5 Ất dậu và phong trào Cần vương là hệ quả tiếp theo. Cần phải làm rõ là sự thực không phải như vậy.

- Việc phế Dục Đức và sau đó Hiệp Hoà là các thất bại của thực dân Pháp.

- Các biện pháp thi hành dưới hai triều Kiến Phúc và Hàm nghi là để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, rõ ràng bất lợi cho Pháp.

Vì thế, Pháp tìm cách bức hiếp triều đình Huế và triệt hạ nhóm chủ chiến hầu ngăn chận công cuộc chuẩn bị của triều đình Huế, không cho hoàn tất.

- Nhân vua Kiến Phúc mất (10.6 Giáp thân), Pháp không ngần ngại thông báo cho triều đình Huế ý muốn của Pháp là đưa Hồng Hưu lên ngôi. Ngày 13.6, triều đình phải vội vã tấn tôn Hàm Nghi.

- Lấy cớ dự tấn phong Hàm Nghi, Pháp đưa Guerrier đến Huế thị oai, treo cờ tam tài ở Mang Cá, triệt 45 súng thần công vốn bố trí hướng qua Toà Khâm.

- Ở Quy Nhơn, Pháp cho đóng đinh lỗ châu mai 67 súng thần công ở Nha Hải phòng, tịch thu súng tay và thuốc đạn cùng tiền bạc.

- Ở Hải An, Pháp bắt thự tổng đốc Hà Văn Quan, lấy giấy tờ vàng bạc và ấn triện rồi ngang nhiên chở Hà Văn Quan vào Gia Định.

- Nguyễn Hữu Độ, quyền Hà – Ninh tổng đốc, dựa thế Pháp, tự ý bổ nhiệm Hoàng Cao Khải làm bố chánh Lạng Sơn và Nguyễn Huy Lân làm án sát, xây sinh từ chi phí lên tới hàng vạn lạng.

- Tất cả việc Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật (về sau) chuẩn bị chống Pháp đều bị các giám mục Caspar và Puginier tường trình chi tiết cho thực dân.

- Biện pháp cuối cùng của Pháp là phái De Courcy đến với chức vụ Trung Bắc toàn quyền kiêm quản quân dân sự vụ. Đến Bắc Kỳ ngày 31.5.1885, De Courcy đã thực hiện một chính sách quyết liệt nhằm mục đích loại trừ nhóm chủ chiến.

Trước thái độ khiêu khích, hống hách và gây hấn của De Courcy, Tôn Thất Thuyết vẫn muốn tránh một cuộc đụng đầu có lợi cho Pháp và vì cuộc chuẩn bị kháng chiến chưa hoàn tất.

[… xem thêm nguyên văn bài viết
ở phần chú thích cuối phần trích này …- TXA. (nbs.)]


Chính vì vậy mà ngày 2 tháng 6 Ất dậu, từ Tân Sở vua Hàm Nghi đã gửi dụ cho Nguyễn Văn Tương cùng ngày với dụ Cần vương:

“Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn người là phụ chính đại thần thi ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản” (37).

Trong dụ cho hoàng tộc, nhà vua cũng đề cập đến vai trò của phụ chính Nguyễn Văn Tường ở Huế:

“Nay có phụ chính huân thần là Nguyễn khanh ở lại giảng thuyết, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định” (38).

Cáo thị của De Champeaux về việc kết tội lưu Nguyễn Văn Tường cũng xác định rõ:

“Văn Tường từng đã chống cự nước ấy [Pháp] thực đã nhiều năm. Từ khi cùng với Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chính, chỉn lại đổng xuất quan quân nổi dậy công kích binh nước ấy; và Văn Tường do đô thống ấy [De Courcy] xin cho hai tháng lo liệu việc nước cùng Bắc Kỳ đều được lặng yên vô sự, đến ngày 27 tháng ấy hết hạn, mà các tỉnh tả kỳ về phía Nam có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo. Đến đây đô thống ấy định án, ưng kết tội lưu. Hôm ấy [27.7 Aát dậu: 5.7.1885], chở đem Văn Tường đến cửa biển Thuận An …” (39).

Nguyễn Văn Tường bị chở vào Gia Định rồi từ Gia Định đi Côn Đảo; sau đó, đến Tahiti vào tháng 2.1886. Và như chúng ta đã biết, trên cùng chuyến lưu đày có Tôn Thất Đính, thân phụ Tôn Thất Thuyết, và Phạm Thận Duật. Qua eo bể Malacca, Phạm Thận Duật qua đời và được thuỷ táng. Còn ông, hai tháng ở Thương bạc, sáu tháng trên đường lưu đày để từ Huế đến Papeete xa xôi giữa Thái Bình dương và sáu tháng trên hòn đảo mồ côi ở cõi cùng này, hẳn ông đã đau xót là dường nào khi đã tận lực mà chẳng xoay chuyển được vận nước. Người đời có hiểu cho chăng tấm lòng của ông đối với đất nước khi cuối đời ông rơi vào một tình huống dễ gây ngộ nhận:

“U trung thuỳ bạch, thiên thu hậu
Xã tắc, quân, dân, thục trọng, khinh?”
(Lòng u uẩn nghìn năm ai tỏ
Tổ quốc, vua, dân, đâu trọng, khinh?).


Lịch sử bao giờ cũng công bình, sẽ trả lại cho ông sự trong sáng của một người có tài, có tâm, đã tận tuỵ vì vua, vì nước. Ông cũng đã đền ơn tri ngộ khi thực hiện lời hứa “không làm kẻ bên lề ngồi xem thành bại”.

TRẦN VIẾT NGẠC

(+) Nguyên giảng viên ĐHSP. TP.HCM..

Chú thích của tác giả bài viết:

(1) Dụ tự biếm: Tự Đức thánh chế tam tập, quyển I, bản dịch của Bùi Tấn Niên, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá (Sài Gòn) xuất bản, 1971, tr. 80 – 82.

(2) Tlđd., như trên.

(3) Quốc sử quán, Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTL.), bản dịch của Viện Sử học, tập 35, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1976, tr. 199.

(4), (5) ĐNTL., sđd., tr. 200 – 201.

(6) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 206.

(7) Theo Nguyễn Lý Tưởng, đặc san Thương về Quảng Trị, tr.101 – 102.

(8) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thú 6, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn , 1958, tr. 566.

(9) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 254.

(10) Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam (1857 – 1914), luận án tiến sĩ, bản dịch in ronéo của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973, tr. 318 (Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A.30 [58], hộp số 16).

(11), (12) ĐNTL., sđd., tr. 256.

(13) ĐNTL., sđd., tr. 221 – 223.

(14) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 230.

(15) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 237.

(16) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 230.

(17) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 226.

(18) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 229.

(19) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 255.

(20) ĐNTL., sđd., tập 35, tr 244; tập 36, tr. 43.

(21) ĐNTL., sđd., tập 36, tr. 43.

(22) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 246.

(23) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 253 – 254, 255.

(24) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 246.

(25) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 230.

(26) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 256.

(26b) ĐNTL., sđd., tập 35, tr. 257.

(27), (28) Trần Trọng Kim, VNSL., sđd., tr. 533.

(29) Hạnh Thục ca :

Hết lòng khấn vái thuốc thang
Gẫm âu số mệnh đành khôn cải trời!


* Phạm Thận Duật và Tôn Thất Thuyết có nhiều mối quan hệ gắn bó từ 1875. Khi Tôn Thất Thuyết làm hộ lý Tổng đố Ninh – Thái, coi việc quân 4 tình Ninh, Thái, Lạng, Bằng thì Phạm Thận Duật làm tuần phủ Bắc Ninh. Khi Tôn ThấtThuyết thăng thự tổng đố Ninh – Thái, Phạm Thận Duật làm hộ lý tổng đốc. Giữa năm 1882, Tôn Thất Thuyết mới cè triều, Phạm Thận Duật đã cùng Lâm Hoành dâng sớ lên vua Tự Đức xin nhường chân Cơ Mật viện đại thần cho Tôn Thất Thuyết (vua không chấp nhận). Giữa Tôn Thất Thuyết và Phạm Thận Duật còn có tình hứa thông gia: con trai Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đàm hứa hôn cùng cô Phạm Thị Thư, con gài Phạm Thận Duật.

Phạm Thận Duật lúc làm thượng thư Bộ Hộ đã kiêm chức tham tri Bộ Công để trực tiếp coi sóc việc xây dựng các sơn phòng và căn cứ Tân Sở.

(30) Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, Nguyễn Hy Xước dịch, bản in ronéo, 1961, tr. 34, 38 – 39. [Đây là một bức thư nguỵ tạo; xin xem chú thích (7) của nbs., cuối bài của GS. Đoàn Quang Hưng – TXA.].

(31) Lam Giang, Võ Ngọc Nhã (sưu tầm), “Đặng Đức Tuấn, tinh hoa công giáo ái quốc” [!], Sài Gòn, 1971, tr. 516 – 517.

(32) Cao Huy Thuần, sđd., tr. 319.

(33) Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, tr. 34.

(34) Bắc Kỳ tấu nghị.

(35) Bản tấu ngày 01.11 Tự Đức 27 (1874).

(36) Bản tấu gửi thái hoàng thái hậu Từ Dũ, ngày ?, tháng?, năm?, trong tập Nam Kỳ tấu nghị.

(37) ĐNTL., sđd., tập 36, tr. 225.

(38) Dụ các người trong họ, ĐNTL., sđd., tr. 227.

(39) ĐNTL., sđd., tập 36, tr. 247.

Nguyên văn đoạn tách khỏi bài viết (không phù hợp với chủ kiến của cuốn sách này – nbs.):

Chiều 4.7.1885 (22 tháng 5 Aát dậu), Tôn Thất Thuyết đã viết thư cho De Courcy với nội dung thông báo: Tôn Thất Thuyết sẽ từ chức thượng thư Bộ Binh để người khác thay thế sang hội kiến với De Courcy. Đó là một quyết định nhượng bộ nhưng đồng thời cũng là một biện pháp làm bộc lộ âm mưu của Pháp muốn loại trừ Tôn Thất Thuyết. Hẳn chúng ta còn nhớ Rheinart đã từng đe dọa bắt Tôn Thất Thuyết và gia quyến nếu triều đình không chịu đưa Hồng Hưu lên ngôi!

De Courcy đã không chịu nhận thư.

Một sự kiện quan trong như thế nhưng Đại Nam thực lục, L’Empire d’Annam, La prise de Huế par les francais, Le roi proscrit … đều vô tình hay cố ý không nói đến. Chính Nguyễn Văn Tường đã thuật lại trong thư gửi thống đốc Tahiti:

“Ngày 22, y viết một bức thư giao cho thiểm xem, trong thư y nói rằng y đương mắc bệnh, quan toàn quyền không cho cáo, để lâu ngày sợ trễ nải việc nước, y xin từ chức về quê dưỡng bệnh và xin đổi viên khác thay cho đủ số thượng thư. Thiểm sai người đưa thư trình quan toàn quyền, ngài không chịu nhận xem lại tư cho thiểm rằng nếu Tôn Thất Thuyết không qua Tòa thì nhất định không đưa sắc thư” (30).

Hai tác phẩm thơ trường thiên “Dậu tuất niên gian phong hoả ký sự” và “Đại loạn năm Ất dậu” đều xác nhận:

“Thuyết e sinh sự chẳng hiền
Gửi thư tạ lỗi, toàn quyền không coi”

(Dậu tuất …)
“Tôn gửi qua xin lỗi một tờ
Toàn trả lại không thèm ba chữ!”.


Trước thái độ ngạo mạn của De Courcy như thế, song Nguyễn Văn Tường vẫn muốn thi hành một kế sách hoà hoãn nên quyết định rằng Tôn Thất Thuyết phải qua hội kiến với De Courcy. Từ Dụ cũng ra sắc chỉ buộc Tôn Thất Thuyết phải qua Toà Khâm sứ vào sáng 23 tháng 5. Tôn Thất Thuyết vì thế phải quyết định dùng quân Phấn Nghĩa tấn công Mang Cá và Toà Khâm, tạo điều kiện rước vua ra Tân Sở, phát động cuộc kháng chiến Cần vương như kế hoạch dự trù từ trước. Chính vì thế mà Nguyễn Văn Tường không được thông báo về cuộc tấn công, và khi cuộc tấn công thất bại, người Pháp phản công, Nguyễn Văn Tường đã vào cung rước vua và tam cung tạm lánh lên Khiêm lăng để tiếp tục thương lượng. Chính vì thế dưới mắt thực dân Pháp và các giám mục người Pháp lúc bấy giờ, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã phân công nhau đối phó với Pháp:

“Thuyết , Tường tính việc dữ rồi, không xong…”

“Thuyết, Tường sanh sự sự sanh
Đem Hàm nghi trốn, bôn hành Khiêm lăng
Cùng nhau bàn luận rứa răng
Thuyết đi hộ giá, Tường băng về đầu!
Khéo làm chước nhiệm mưu sâu
Pháp quan mắc mớp tưởng đâu thật tình …”

(Dậu tuất niên gian…)

Toàn nghe nói tưởng Tường kim thạch
Mà nổi cơn giận Thuyết lôi đình!
(31)

Chính vì thế mà:

“Puginier, giám mục ớ Bắc Kỳ, và Camelbeck, giám mục ở Quy Nhơn, đã mở một chiến dịch điên cuồng tấn công chống Nguyễn Văn Tường mà theo họ là kẻ thù lớn nhất của người Pháp và đồng thời cũng là người An Nam điêu toa [!] nhất mà người ta có thể gặp … Sự hợp tác của ông ta và De Courcy là một mưu mô nhằm đánh lừa người pháp” (32).

Nguyễn Văn Mại, một quan lớn của triều đình bù nhìn cũng nhận xét:

“Nguyễn Văn Tường ngoài mặt tuy chủ hoà mà bề trong một lòng với Thuyết” (33).

Nhận định Tường và Thuyết là một là có cơ sở. Không phải từ năm 1882, lúc Tôn Thất Thuyết về triều giữ chức thự thượng thư Bộ Binh, hai người mới có dịp gặp nhau, mà Nguyễn Văn Tường trong tám năm quân vụ, làm tán tương ở đất Bắc, đã gặp Tôn Thất Thuyết. Ông có nhận xét về Tôn Thất Thuyết trong bản tấu gửi vua Tự Đức ngày 20 tháng 6 năm Tự Đức 26 (1873) như sau:

“Tham tán thần Tôn Thất Thuyết theo việc quân lâu ngày, am tường chinh chiến, binh lính tướng tá đều sợ tánh nghiêm, nên cũng gọi là tay năng nổ. Nguyễn Đình Thi gặp việc nhận rõ chân tướng chẳng nề gian hiểm (châu điểm), từng ở lâu nơi biên địa, tình thế khá quen, nhưng dùng binh không nghiêm trọng bằng Tôn Thất Thuyết” (34).

Sau khi vua Tự Đức băng hà, hai ông đã cộng tác mật thiết với nhau trong việc chống lại những vua tôi chủ hoà, phế Dục Đức rồi hiệp Hoà và cùng nhau chuẩn bị cho công cuộc chống Pháp lâu dài. Sự khác nhau về sở trường và về tính cách lại chính là chỗ bù đắp cho nhau để công việc đạt hiệu quả hơn. Tôn Thất Thuyết cầm binh tính nghiêm, có cái uy của một ông tướng (dân gian gọi Tôn Thất Thuyết là quan Tướng). Tôn Thất Thuyết căm ghét người Pháp – cả gia đình ông đều như vậy – và chưa hề tiếp xúc với Pháp. Nguyễn Văn Tường sở trường về ngoại giao và sâu sắc về chính trị, nhiều lần thương thuyết với Pháp và đã thay mặt triều đình ký với Pháp hoà ước Giáp tuất (1874), thương ước Giáp tuất (1874) và hoà ước Giáp thân (1884). Ông chủ trương thương thuyết với Pháp để tránh xung đột bất lợi trước mắt vì lực lượng chênh lệch, mua thời gian để củng cố, thực hiện kế hoạch chuẩn bị để chống Pháp lâu dài.

Trong bản tấu đề ngày 8 tháng 3 năm Tự Đức 21 (1868), ông đã nói rõ ý kiến của ông:

“Người Phú kia từ trùng dương đến đây, có chỗ cậy trông từ trước, mà cơ trí lại tham lam, giảo quyệt, sánh với Hung Nô, Khiết Đan thì càng hơn hẳn…

Ngày nay tình thế cũng như vậy. Nó quỷ quyệt đã hơn mười năm nay mà triều đình trên thì không thể xem thời, xét thế, như cánh thuyền phân vân, cứ uỷ suông cho chủ lo lắng, việc tự cường tự tại nói rồi lại bỏ, trù liệu thì chẳng tiến triển, không biết lòng của các bề tôi như thế nào… Vả lại, từ xưa, muốn cho nước mạnh, chưa từng không chú ý đến binh lực, của cải hai điều. Thần xin chuẩn cho đặt kho nghĩa thương, để dành binh lương, bắt dân dõng bảo vệ làng xóm. Nhưng làm không lâu lại bỏ. Nay kẻ chăn dân, dạy chữ, nhiều người mất chức, không biết lấy gì để kêu gọi hoà hợp dân sinh. Kẻ cầm binh thì không biết yêu thương nuôi dưỡng. Việc công dịch, thuế khoá, sĩ tốt đã có lời oán hận. Ở Bắc Kỳ thì giặc cướp lộng hành. Kinh sư có dạy nghiêm thì binh dân lìa nhau mà dễ lầm lạc. Từ đó hiện tình thật đáng lo sợ. Nếu không lo điều ấy, thì bề tôi dẫu có tận tuỵ với chức vụ sổ sách, hoặc chỉ đem lời nói suông mà phê phán giặc mạnh, thì việc nội trị cũng ngày càng sai lầm, tương lai biết thế nào! Thần ngu dại không dám trù liệu ngược ngạo, chỉ đến khi Nam Kỳ đã cắt hết đất, muốn cùng đỡ đần để tự giữ thì thế lực cũng khó đương, muốn bồi thường tiền của để giữ yên ổn thì lòng địch chưa chán. Năm tháng trôi qua, sự thế ngày càng xô bồ, đến thế thì lấy gì để an uỷ sự linh thiêng của Liệt Thánh, đáp tạ sự trông mong của sĩ dân. Thần tuy chức phận nhỏ nhoi, cũng là quan lại của hoàng thượng, suốt đêm lo nghĩ không chịu nổi xúc động.

Người xưa nói rằng, chiến rồi sau mới thủ được, thủ rồi sau mới có thể hoà được, cũng là chỉ cái thế lực tương đương vậy. Như nay, xem xét tình thế hiện tại của ta và nó, thần xin nói rằng: hoà để thủ, thủ để mưu chiến mới hợp cơ nghi, mà may mắn mới không sai lầm. Xin nguyện: hoàng thượng vững vàng duy trì sự giao thiệp với nước lân bang, có đường lối, dần dần bày tỏ sự thành thực sửa đổi việc nội trị, không quên điều nhục nước, thận trọng chọn người chăn dân, cầm binh, lo nuôi dưỡng dân, chiêu hiền, ắt như Hán Cao tổ vào đất Ba Thục, tiết giảm của dùng, công dịch, việc sinh tụ, dạy dỗ, ắt như Câu Tiễn ẩn nhẫn ở Cối Kê, trên dưới một lòng, tôn thân, hiền sĩ giúp đỡ hoặc có thể đợi vận trăm năm của triều đình, để duỗi cái uy trong nước. Thần tuy hèn kém, dâu dám tiếc cái sống thừa …”.

Ông hứa với vua Tự Đức rằng: “Nếu gặp lúc quan hệ, thần muôn vàn không dám làm kẻ bên lề ngồi xem thành bại, chỉ khư khư một tấm lòng đau khổ” (35) và ông đã thực hiện lời hứa đó sau khi vua Tự Đức băng hà và trong biến cố 23 tháng 5 Aát dậu (5.7.1885).

Chúng ta biết rằng, trước sự bức ép của De Courcy, Nguyễn Văn Tường vẫn chủ trương thương nghị. Công việc Cần vương tuy đã có chuẩn bị từ cuối năm 1883, nhưng theo ông, là chưa phải lúc để nổ ra cuộc xung đột với Pháp ngay tại kinh đô:

“Huống nay sức kiệt, của mòn, hai kỳ rách nát, sau khi đã bôn bá lưu ly mà nói là có thể mưu khôi phục, như thế khác gì kẹp núi mà vượt biển, có lý lẽ đúng chăng?”.
Ông cho rằng :

“Việc dời kho tàng, đặt phòng thủ cũng vì bởi cái lo chưa phát khởi mà dự phòng, không phải lấy điều đó để mưu tính với người” (36).

Đó cũng là cách hoà để thủ, thủ để mưu chiến như ông từng chủ trương.

Việc Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến quyết định tấn công Toà Khâm và Mang Cá không cùng bàn bạc với ông và cuộc tấn công do quyết định ở giờ phút chót đó đã không mang lại thành công. Ông đã rước vua Hàm Nghi và tam cung rời cung điện lên Khiêm lăng để tiếp tục thương nghị với De Courcy với lý do cuộc tấn công đã không được tâu trước với nhà vua và tam cung và ông không tham dự. Ông đã được lệnh của bà Từ Dũ lãnh trách nhiệm thương thuyết.

Ông không ở lại thương thuyết như người ta thường viết, vì khi ông được lệnh thương nghị với De Courcy qua trung gian giám mục Caspar thì vua và tam cung trên đường lên Khiêm lăng và Tôn Thất Thuyết đang còn trong kinh thành. Cái bi kịch của ông chỉ bắt đầu khi Tôn Thất Thuyết từ Mang Cá vào cung và đuổi kịp ngự đạo, chuyển hướng ngự đạo thay vì lên Khiêm lăng, lại vòng Văn Thánh ra ngả Trường Thi (La Chử) rồi xuống đường Thiên Lý, trực chỉ Quảng Trị. Ông lâm vào một tình trạng đáng nghi dưới mắt De Courcy vì nhân danh triều đình để thương nghị mà vua và tam cung đang ở Quảng Trị chứ không phải tạm lánh lên Khiêm lăng như ông nghĩ và nói với De Courcy. Người Pháp không thể tin rằng một sự kiện quan trọng như việc tấn công quân Pháp ở Toà Khâm và Mang Cá đêm 22 rạng 23 tháng 5 mà ông, một kẻ đứng đầu triều đình chủ chiến, lại không hay biết. Họ có lý khi nghĩ rằng chẳng qua là khi sự việc thất bại thì ông cùng Tôn Thất Thuyết bàn nhau thực hiện kế hoạch đàm phán mà ông đảm nhận để Tôn Thất thuyết có thời gian rước vua đi xa. Thế là De Courcy giam ông ở Nha Thương bạc với một nhiệm vụ bất khả thi là rước vua trở lại kinh đô trong thời hạn 60 ngày! Ta hãy đọc lại một lần nữa:

“Thuyết , Tường tính việc dữ rồi, không xong…”

“Thuyết, Tường sanh sự sự sanh
Đem Hàm Nghi trốn, bôn hành Khiêm lăng
Cùng nhau bàn luận rứa răng
Thuyết đi hộ giá, Tường băng về đầu
Khéo làm chước nhiệm mưu sâu
Pháp quan mắc mớp tưởng đâu thiệt tình!”


Cho nên đối với vua Hàm Nghi và cả với những người lãnh đạo nhóm chủ chiến như Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, ông không phải là kẻ ở lại, không phải là kẻ phản bội, bởi vì khi nhận lệnh Từ Dũ vào nhà thờ Kim Long nhờ giám mục Caspar làm trung gian để tiếp tục thương nghị với De Courcy, nhà vua chưa chuyển hướng đi Quảng Trị theo quyết định của Tôn Thất Thuyết.

(Trần Viết Ngạc)

[Các chú thích của đoạn này, xin xem chú thích phía trên – nbs.].


Xin vui lòng xem thêm: “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh dô quật khởi (05-7-1885)" của TXA. -- Nbs.:TXA.

Bản đánh máy vi tính bài viết này do TXA. thực hiện
theo sự uỷ nhiệm của Nnc. TVN., ngày 22.6.2002

Không có nhận xét nào: