Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

5. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886) -- THƠ -- VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI, TÂM HỒN & TƯ TƯỞNG / tệp 5

NGUYỄN VĂN TƯỜNG
&
THƠ CA



TẤC LÒNG YÊU NƯỚC SON SẮT
CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG...


Nnc. Trần Đại Vinh (*)



Trong số di cảo của Nguyễn Văn Tường, còn có 64 (1) bài thơ chữ Hán sáng tác từ năm 1869 đến năm 1876, đã thể hiện tấc lòng yêu nước, yêu dân chân thành của ông, một người trí thức chân chính gánh vác nhiều trọng trách trong hoàn cảnh gieo neo của đất nước.

Phần lớn số thơ đó được viết trong giai đoạn ông làm tán lí quân vụ ở các tỉnh biên giới miền Bắc.

Năm đầu tiến đến Lạng Sơn, ông đã xác định tình thế và nhiệm vụ:

Tuy nhiên lòng chó sói
Há để kề bên hông
Bọn ta thẹn ngồi không
Kẻ nào đáng hưởng lộc
Nguyện cùng nhau lo toan
May dân khỏi bức bách


Ông đã ước mơ tiêu diệt hết quân xâm lược, thu hồi nền thống nhất vẹn toàn Nam Bắc:

Diệt hết lũ cừ khôi
Khỏi ô uế bờ cõi
Dẹp loài tanh khác nòi
Nam Bắc cùng một mối

(Sơ đáo Lạng Sơn - dịch).

Ông đã cảm nhận nỗi điêu linh của nhân dân:

Bốn thành cỏ lúa sờn kêu khóc
(Họa thơ Từ Diên Húc).

Và đã khao khát chiến thắng:

Bao giờ sông núi ghi công đó
Chẳng phụ giang sơn mấy nỗi niềm

(Họa thơ Tri huyện An Dũng).

Năm năm lặn lội trên chiến trường tiễu phỉ giáp biên giới Việt Trung, ông còn lưu lại 44 bài thơ đau đáu một nỗi niềm lo cho dân cho nước.

Bài thơ “Bảy lần qua Xương Giang” như một tổng kết tình hình chiến trận gian nan và bế tắc:

Năm năm bảy lượt trẩy sông Xương
Cam chịu gian truân mấy đỗi đường
Cứu hiểm chẳng dành tàu chóng lướt
Lái cầm chưa định buồm ồn giương
Việc đời cuồn cuộn vời con nước
Bế tắc lòng tôi đọng tợ sương
Ngóng Bắc, triều đình hôm sớm đợi
Lô, Thao, trên ải nỡ đùa vờn?!


Đến khi trở về kinh, sung vào sứ bộ Lê Tuấn, đi Gia Định thương thuyết việc giao trả bốn thành Garnier vừa lấn chiếm, ông đã cảm hoài:

Bao năm ải Bắc cờ giong
Nay đi Tây sứ ngồi trong hỏa thuyền
Thương cho đường trước gập ghềnh
Đoái nhìn việc cũ bồng bềnh biển dâu
Giặc thì ỷ thói cuồng đâu
Quan triều ai đó có hầu thấy nguy
Không tài thẹn nỗi trọng vì
Bình sinh thơ đọc mắt ghi trăm bài...


(Họa bài Tàu thủy xuống cửa Thuận
của chánh sứ Lê Tuấn).

Ngang qua Tháp Bà Nha Trang, ông cũng ao ước:

Lục tỉnh nghìn năm về nước cũ
Cõi bờ thu lại chuyến Tây hành


Vào Gia Định, nhân đi xem Sở thú vừa mới thành lập, ông đã cảm xúc chua xót:

Vài chuồng thú lạ là tân vật
Nửa khoảnh chim hoa khác cựu phong
Đối cảnh đáng buồn ai đổi chủ
Gặp người khó nói hết nguồn cơn
Cớ sao tạo hóa còn đa sự
Luống để vườn hoa chép tiếp dòng!


Nỗi niềm trăn trở, dằn vặt đó không còn gì chân thành hơn, phải phát xuất từ một tâm hồn gắn bó sâu nặng với đất nước, với nhân dân và một sự nhận thức cao về trách nhiệm. Đó là tấc lòng mà Nguyễn Văn Tường gởi vào thiên cổ.

Thế nhưng, thơ chỉ bộc lộ nỗi niềm, chứ không thể trình bày sâu sắc nhận định sáng suốt của ông. Phải đọc tấu sớ tường trình lên vua mới thấy rõ tầm nhìn và nhận thức chính trị của ông.

Hãy xem một bài sớ, trước hết biểu lộ đức tính dũng cảm, trung thực, dám nói những điều có thể đụng chạm đến tự ái của vua. Bài sớ đề ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 27 (1874) mở đầu viết:

“Kính, từ khi hoàng thượng nối tiếp cơ đồ lớn lao, vỗ yên vận sáng, tuy trì doanh bảo thái (**) chưa từng không lấy sự gắng gỏi làm nỗi lo toan; nhưng quá nửa ngày thì trời xế, ngược với sáng là tối, là lẽ tuần hoàn xưa nay thay đổi; cho nên trong thì biến loạn của anh em, ngoài thì cái họa của mọi rợ, Nam Kì đất cũ thì trầm luân, Bắc Kì thì giặc cướp liền năm”.

Một đoạn khác nói về tình hình quan lại:

“Nay các quan đương chức trong ngoài, tham nhũng hèn yếu vốn cũng có, nhưng người có tài lo liệu cũng chưa từng thiếu vậy. Kẻ gặp việc thì lo khéo tránh, ở quan mà vui làm việc riêng, đã được trích ra trừng trị răn dạy để sửa chữa thì cũng ít vậy. Thậm chí có kẻ tùy việc đòi hối lộ, như là chợ búa, thế mà lại không biết liêm sỉ. Than ôi, lòng người sao một phen đến thế”.

So sánh với người nước ngoài, ông nhận định:

“Thần thường tiếp người các nước Thanh, Tây. Họ há tất cả đều là siêu việt sao! Chỉ vì họ thì lấy điều thực mà làm, còn ta thì lấy điều hư để ứng phó. Lấy thực đối với hư, thì mạnh yếu đã phân định rõ”.

Từ đó ông đề nghị về chính sách dùng người:

“Kính mong hoàng thượng chọn người chân chính sung lo việc thuyên tuyển, khiến cho nắm lấy công bằng, tiến lui tất có ý (...). Mong hoàng thượng giữ vững quyền truất giáng để khích lệ người tài năng, để người người đều tận lực trong công việc. Nội trị được sửa đổi thì ngoại trị khá hưng, mới có thể thư được nỗi lo đêm ngày”.

Nói về mình, ông viết:

“Đến như thần đã không có tài khác, đường làm quan trắc trở, đã nhiều lần lạm dự vào ơn mưa móc không phải phận mình (2), mới có được ngày nay. Kính được sai làm sứ, thần nào dám tiếc tâm sức. Duy được thờ hoàng thượng trải hơn hai mươi năm nay, ở bên ngoài thì nhiều, chưa am hiểu chính thể. Nếu như ban ơn chỉ dụ cho ở tại kinh, hầu hạ bên cạnh, được nghe lời răn dạy, để cho thần mở óc ngu tối mà giảm bớt lỗi lầm, đợi lúc đến kì sai phái tới lui với Tây, tùy cơ thương thuyết để tiện lo cứu vãn, hoặc có thể đền đáp trọng trách trong muôn một. Ấy là nguyện vọng của thần vậy”.

Từ những công việc cấp thiết lo toan mở mang cho cư dân miền núi Cam Lộ suốt 8 (3) năm làm tri huyện, những việc hành chánh chuyên môn tại Quảng Nam, văn phòng Bộ Binh và Phủ Thừa Thiên, cho đến việc sung làm tán lí quân vụ, phải lao tâm khổ trí và xông pha trận mạc, khi thì thương thuyết giao hảo, phối hợp với quân tướng nhà Thanh, khi thì trực tiếp lặn lội trên chiến trường tiễu phỉ, rồi trải qua những lần đấu trí trong thương thuyết với sứ bộ Pháp, mong đem lại bình yên cho nhân dân, thu hồi tỉnh thành cho đất nước, kể cả việc tham gia làm phụ chính đại thần gặp lúc phải có những quyết định táo bạo, dứt khoát, Nguyễn Văn Tường đã chứng tỏ là một người giữ trọng trách có nhiệt huyết, thể hiện một tấm lòng vì dân vì nước sâu sắc.

Tuy nhiên tài ngoại giao của Nguyễn Văn Tường đã không đủ để cứu vãn tình thế. Vì tình hình đất nước từ sau khi kí hàng ước Quý mùi đã hoàn toàn bế tắc. Nam triều chỉ còn quản lí một cách hình thức phần lãnh thổ từ Khánh Hòa ra Đèo Ngang.

Mặc dù thế, cả Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vẫn hợp lực để gắng gỏi vớt vát. Nhưng khi chính phủ Pháp đã bổ nhiệm De Courcy làm tổng thống Trung Bắc Kì quân vụ, kiêm Trung Bắc Kì toàn quyền, và Le Maire bị áp lực phải từ chức, nhường cho De Champeaux thay thế làm khâm sứ Trung Kì, thì hơn ai hết Nguyễn Văn Tường đã thấy bế tắc hoàn toàn. Theo ông thời, thế, cơ đã không cho phép hành động tích cực. Biện pháp cuối cùng như ông phân trần trong bài sớ gửi Tam Cung chỉ là:

“Lấy mặt cười vui để đối phó bàn tay hung bạo, mở tấm chân thành để thông suốt đá cứng, tuy không thể lấy làm mạnh, mà chỉ có thể làm kế lâu dài” (4).

Nhận thức đó đã làm cho ông trở thành người đứng ngoài cuộc trong cuộc tấn kích quân Pháp đêm 22 - 23 tháng 5 Ất dậu, và tự động ở lại điều đình với Pháp. Đó là một sai lầm lớn của ông (4).

Chính vì sai lầm cuối cùng này mà tác giả dân gian trong “Vè Thất thủ kinh đô” đã không thể chấp nhận Nguyễn Văn Tường, đã xây dựng ông trở thành một nhân vật giảo hoạt, bề ngoài chủ chiến mà bên trong chỉ là cơ hội (5).

May mắn cho ông, [đúng hơn là cho sử học – nbs.], hình phạt đày đi Tahiti, cùng với Tôn Thất Đính, và Phạm Thận Duật đã là một minh chứng hiển nhiên cho lập trường yêu nước, bộc lộ rõ sự đánh giá cụ thể của kẻ thù về bản chất của ông.

Hơn một trăm năm đã trôi qua, ngày nay nhìn lại, có nơi có lúc cũng đã không thấy hết sự phức tạp của tình hình. “Hòa”, chiến đã từng là những trăn trở, dằn vặt của mấy thế hệ sĩ phu Việt Nam. Trong điều kiện đất nước thời ấy, cả hai đường lối ấy đều bế tắc. Lịch sử đã trôi qua, chỉ còn đọng lại là tấc lòng yêu nước son sắt của những con người chân chính. Dù chọn giải pháp nào, họ đều đứng trên vị trí những người thiết tha với vận nước. Những con người ấy đã dám làm, dám gánh trách nhiệm. Dù có lúc nhầm lẫn hoặc thất bại, vẫn sáng tỏ phẩm chất người yêu nước chân chính và tích cực (6).

T.Đ.V.

(Trích từ “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập”, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển sưu tầm, giới thiệu, phiên âm, dịch [mới 45 bài], tư liệu Hội nghị khoa học, 20. 6. 1996, do Trường ĐHSP. TP.HCM. chủ trì và ấn hành, từ tr. 09 đến tr. 13).


(*) Giảng viên ĐHSP. Huế, nhà nghiên cứu (nnc.) văn học.

(**) Trì doanh bảo thái: giữ sự thịnh vượng, tốt lành (chú thích của tác giả bài viết : ).

Tài liệu tham khảo: Di cảo Nguyễn Văn Tường (người viết dịch) [cước chú của TĐV., tác giả bài viết].


(1) Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh không tính hai bài phản đề được viết chữ cỡ nhỏ dạng đề từ ở nguyên tác chữ Hán. Xin xem chú thích (1) của bản dịch nghĩa bài thơ số 42, gồm cả bị chú [bổ sung cho chú thích (1)].

(2) Cách nói khiêm tốn thời phong kiến.

(3) Xin xem chú thích (1), ở bài viết của Vũ Đức Sao Biển.

(4) Đây chỉ là sách lược dành riêng cho Tam Cung và các quan lại chủ “hòa”, già yếu, thay vì đến “tị địa” Khiêm Lăng hay Tân Sở, trong khi đó, vẫn tiến hành kháng chiến vũ trang kết hợp với đấu tranh thương thuyết. Cuộc Kinh Đô Quật Khởi không tâu trước cho Tam Cung. Xin xem chủ điểm 3 của bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” trong sách này.

(5) Xin xem chủ điểm 3 và chủ điểm 4, bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” của Trần Xuân An (tức là bài “Vài chủ điểm sử học sơ lược cần thiết khi cảm nhận bài “Giải triều …””); chú thích (2), (3) của hai câu đối “Thượng đồ trình…”, và cả chú thích (7) của bản dịch nghĩa bài thơ số 27, đặc biệt là bị chú (*a) về vè “Thất thủ kinh đô”, “Thất thủ Thuận An'' của chú thích (7) ấy.

(6) Theo chúng tôi, chỉ có một con đường duy nhất đúng, đó là con đường Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật... chọn lựa. Chỉ một con đường, nhưng hai nhiêm vụ: kẻ đánh, người đàm, tạo sức mạnh cho nhau, cùng hướng đến một mục tiêu chung là đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, gồm cả việc đập vỡ âm mưu bành trướng của nhà Thanh (Trung Hoa)... Xin lưu ý điểm này ở bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05.7.1885”.




ĐỌC THƠ NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Nnc. Vũ Đức Sao Biển (*)


Khoảng cuối năm 1995, tôi được nhà giáo Trần Viết Ngạc đến mời tham gia báo cáo trong Hội nghị khoa học về Nhóm chủ chiến Triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Nhà giáo Trần Viết Ngạc giao cho tôi một thủ bản thơ chữ Hán của Nguyễn Văn Tường gồm 50 bài thơ. Nhìn nét bút chân phương xương kính, tôi thật sự cảm xúc, biết mình đang cầm trong tay những bài thơ của một sĩ phu yêu nước. Vì thời giờ có hạn, tôi xin phép nhà giáo Trần Viết Ngạc được chọn lựa một số bài tiêu biểu để phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và phát biểu suy nghĩ trên cơ sở những bài tiêu biểu ấy. Tôi đọc thơ Nguyễn Văn Tường không phải bằng cái nhìn của một người nghiên cứu mà chỉ thuần túy bằng cái nhìn của người làm báo, và thỉnh thoảng làm thơ.

Trước tiên, tôi xin được khẳng định: Nguyễn Văn Tường là một nhà thơ đích thực với đầy đủ những yếu tính của khái niệm nhà thơ. Sau khi thi đỗ cử nhân năm 1850, triều Tự Đức, Nguyễn Văn Tường đã bước vào cuộc đời làm quan năm 1852. Ông đã làm quan ở huyện Thành Hóa (nay là Cam Lộ, Quảng Trị) trong 8 năm (1). Trở về kinh thành Huế, ông lần lượt giữ các chức viên ngoại lang Bộ Hình (1861), án sát Quảng Nam (1862), tá lí Bộ Binh (1863) và Thừa Thiên phủ doãn kiêm nhiệm khuyến nông sứ Thừa Thiên - Quảng Trị (1864). Năm 1866, do vụ khởi nghĩa của Đoàn Trưng, ông bị cách chức, sau đó được phục hàm biên tu, đưa về huyện Thành Hoá làm công tác mở mang miền núi. Khi loạn giặc Khách nổi lên ở vùng Đông Bắc, ông được cử ra Bắc làm tán lí quân vụ. Qua những biểu, tấu, chương gửi về báo cáo Triều đình Huế, Nguyễn Văn Tường đã tự chứng tỏ rằng ông là con người có kiến thức, có đởm lược về quân sự. Trong quan hệ đối ngoại, ông là một nhà ngoại giao cự phách, nhiều lần sang Long Châu, Trung Hoa gặp tướng Phùng Tử Tài để bàn việc phối hợp tiễu phỉ, trấn định biên giới. Năm 1873, trong vụ Jean Dupuis, ông lãnh chức phó sứ, cùng ông Lê Tuấn vào Sài Gòn thương thuyết với Pháp. Vua Tự Đức rất tín nhiệm ông sau việc kí với Philastre hai thỏa ước rút quân Pháp ra khỏi Bắc Kì, và hiệp ước năm 1874 với thống đốc Dupré. Sau hiệp ước 1874, Nguyễn Văn Tường được giữ chức thượng thư Bộ Hình, quản lí Thương bạc viện và sung vào Cơ mật viện. Ông trở thành trọng thần khả kính của triều Nguyễn.

Tôi phải trình bày sơ lược đôi nét về cuộc đời làm quan của Nguyễn Văn Tường để thấy được ông là một sĩ phu năng động, một nhà chiến lược quân sự, một nhà chiến lược chính trị, một nhà ngoại giao. Thực dân Pháp và những kẻ thỏa hiệp đã làm ca dao bôi nhọ, xuyên tạc về tài năng và con người của ông; có câu truyền mãi đến bây giờ khiến người đời sau hiểu sai về ông. Rõ ràng là vốn sống và sự cống hiến của ông cho lịch sử, cho Triều đình Huế rất lớn. Đi, sống, chiến đấu và viết là những yếu tố cơ bản hình thành tính cách nhà thơ của Nguyễn Văn Tường.

Thơ chính là người. Thơ ca Việt Nam thường có loại “thơ khẩu khí” biểu lộ khát vọng và tính cách riêng của từng người làm thơ. Nhà thơ Nguyễn Văn Tường cũng có riêng một khẩu khí cho mình vậy. Chúng ta nhớ rằng năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông đã từng lấy tên là Nguyễn Phước Tường, đi thi hương và đậu tú tài lúc vừa tròn 18 tuổi. Vua Thiệu Trị khép tội ông mạo nhận hoàng tộc; ông bị hủy bằng cấp và chịu tội đồ 1 năm, suốt đời không được đi thi (2). Mãi đến 8 năm sau, ông mới được vua Tự Đức xóa cho cái án ấy. Điều gì thôi thúc ông muốn tiến nhanh trên hoạn lộ? Đó chính là tấm lòng của một sĩ phu muốn đem tài trí giúp đời, phục vụ cho Triều đình; tấm lòng của một nhà nho nhập thể và nhập thế. Tâm trạng ấy đã được thể hiện trong nhiều bài thơ tự bày tỏ khí tiết của Nguyễn Văn Tường.

Trong bài Miếu trung ngọa mộc (Cây nằm trong miếu), họa đáp lời ông tú tài họ Đặng (?) ở Bình Lâm, Nguyễn Văn Tường chỉ mong làm một cây xà nhỏ:

Bất tịnh quần tài giảo thốn trường
Chung phong na đắc phạ đồi đường
Cán trinh biệt hữu hiên ngang xứ
Khẳng tác nhân gia tiểu giác lương.


Tạm dịch là:

Chẳng muốn so đo chuyện ngắn dài
Sợ gì yếu ớt, gió lung lay
Có riêng gốc rễ, hiên ngang đứng
Xà nhỏ trong nhà cũng một cây.


Kẻ sĩ là cây tùng, cây bách giữa đời. Nguyễn Văn Tường cũng có quyền tự hào mình là một cây tùng như vậy. Ông có bài Tùng thụ (Cây tùng):

Tài bồi tự cụ lăng tiêu tháo
Ấm tí năng dung thụy thế cầm
Lương đống vị ngôn tha nhật dụng
Độc cao vũ lộ thụ thâm ân.


Tạm dịch là:

Tiết tháo ngang trời tự đắp vun
Tàng cây che chở các chim muông
Mai sau chưa nói nên rường cột
Mưa móc ơn sâu được thấm nhuần.


Nguyễn Văn Tường là một sĩ phu có bản sắc, có chí khí. Ông muốn “đem quách cả sở tồn làm sở dụng” như cách nói của Nguyễn Công Trứ ngày nào. Và rõ ràng là ông đã hiển đạt, đã thực hiện được sở nguyện.

Thế nhưng, sẽ không có thi ca nếu không có tâm hồn lãng mạn, tư duy lãng mạn. Bên cạnh một trọng thần Nguyễn Văn Tường, thượng thư Bộ Hình, còn có một nghệ sĩ Nguyễn Văn Tường say sưa với sông núi, mây, trời, trăng trong, gió mát. Bài Cung họa Ngự chế Đoan ngọ vãn phiếm chu hành hạnh Tư Hiền tấn (Kính họa bài thơ ngự chế “Chiều lễ đoan ngọ đi dạo ở cửa Tư Hiền”) có một đoạn rất nghệ sĩ, rõ ràng là bút pháp của một nhà thơ lãng mạn:

Tà dương thiên ngoại vân phong họa
Tân nguyệt giang đầu cảnh hạm minh
Chu tiếp tàm vô thương bật trợ
Thừa phong thượng kí phấn bằng trình


Tạm dịch là:

Chiều xuống bên trời mây núi vẽ
Trăng non đầu ngọn bóng thuyền lay
Thẹn vì không giúp tay chèo chống
Ngàn dặm chim bằng cưỡi gió bay


Cảnh quan cửa Tư Hiền hiện ra trong thơ Nguyễn Văn Tường thật hoà bình, hạnh phúc, tươi đẹp. Tôi tin rằng phải có sự xúc động chân thành, sự cảm thụ tinh tế của một nghệ sĩ đích thực mới viết được bài Tư Hiền tấn (Cửa Tư Hiền). Bài thơ có đoạn sau:

Hà Trung thu tích hậu
Thuận tấn chuyển lưu thư
Ba ổn trung lưu tiếp
Phàm quy viễn phố ngư
Trùng dương thông nhãn xứ
Vạn hác củng Triều dư


Tạm dịch là:

Trong sông tích tụ phù sa
Một dòng thong thả tuôn ra biển ngoài
Sóng êm chèo lướt sông dài
Bến xa ghe lưới buồm ai trở về
Trùng dương bát ngát bốn bề
Muôn sông rồi cũng tụ về nơi đây.


Thơ Nguyễn Văn Tường tuân thủ khá chặt chẽ lối cấu trúc của Đường luật, nhưng những tư duy và cảm nhận của ông về thiên nhiên thì rất lãng mạn. Đôi khi, ông mạnh dạn vượt qua cấu trúc cổ điển đó để viết những bài thơ dài theo ý mình như Hạnh Thúy Vân sơn và Tư Hiền tấn. Ta có thể gọi Nguyễn Văn Tường là một nhà thơ lãng mạn trong cổ điển.

Người ta cũng thường ca ngợi phong cách thi ca của Đường Tống bát đại gia, cụ thể là Lí, Đỗ. Tôi nghĩ rằng thơ chữ Hán của Nguyễn Văn Tường cũng chẳng kém gì thơ Lí, Đỗ. Hình ảnh trong thơ ông rất gần gũi với chúng ta khiến chúng ta dễ thẩm thấu, dễ cảm nhận hơn thơ Đường, Tống nhiều. Thí dụ như cảnh cửa biển Thuận An trong Cung họa Ngự chế thi nguyên vận Nhuận ngũ nguyệt hộ từ giá hạnh Thuận An tấn nhị thủ (Kính họa nguyên vận hai bài ngự chế: “Tháng năm nhuận, hộ giá Thái Hậu ra cửa biển Thuận An”), có hình ảnh rất đẹp:

Hải môn khả hạm giá ngao phi
Biến phúc từ vân thử khí vi
Quế trạo thuận lưu thanh tế tế
Da lâm thùy ấm lục y y
Sa đôi cổ lũy thăng thiên hiểm
Bác trĩ tàng đài phục viễn uy
Thử địa duyệt phòng tiên hiếu trị
Nam thiên vĩnh yết Vụ tinh huy.


Tạm dịch là:

Cửa biển, thuyền như trạnh lớn bay
Che khắp mây lành, nắng dịu thay
Chèo quế khua dòng, êm tiếng nước
Dừa xanh rủ bóng, đẹp màu cây
Cát lên lũy lớn đường muôn hiểm
Súng dựng đài cao thế cực dài
Lấy hiếu trị đời qua chốn ấy
Trời Nam, sao Vụ sáng không phai.


Thơ của Nguyễn Văn Tường còn ray rứt nỗi nhớ quê nhà Triệu Phong, Quảng Trị, miền đất nghèo mùa đông thiếu áo, mùa hạ thiếu cơm. Bố vợ làm ba bài thơ gởi ra Bắc thăm con rể; ông cũng họa ba bài gởi tạ lòng bố vợ - Họa nhạc ông kí phỏng tam thủ nguyên vận. Trong ba bài đó, tôi cảm xúc nhất khi đọc một bài có tiếng trẻ khóc chờ cơm:

Xứ xứ sầu văn đãi bô ngao
Ưu thâm nan tả chuyển sinh trào
Thừa lương thí hướng cao lâu vọng
Đố nhãn nhưng đa vị ngải cao (hao).


Tạm dịch là:

Chờ cơm, tiếng trẻ khóc trăm nơi
Ray rứt khôn nguôi phải bật cười
Dạo mát nhìn lầu cao chót vót
Nhiều đôi mắt ghét ngó không thôi.


Bài thơ thể hiện tình cảm ray rứt của một sĩ phu trước những cảnh đời vất vả, đói kém của đồng bào mình. Bài thơ còn thể hiện được một chút lập trường của nhà thơ trước cảnh sống xa hoa, sang trọng của một số quan lại triều Nguyễn. Tư duy dân bản – nhân văn đó không phải ai làm quan cho Triều đình Huế cũng có được.

Nhưng vượt lên trên tất cả, thơ của Nguyễn Văn Tường vẫn là thơ của một sĩ phu giàu lòng trung quân ái quốc. Đúng như phong cách của nhà nho “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, Nguyễn Văn Tường lo trước cái lo của mọi người và chỉ vui sau cái vui của mọi người. Đối với Nguyễn Văn Tường, vua Tự Đức là mặt trời, ông là đóa hoa hướng dương. Bài Ất Hợi nguyên chính (Ngày mồng một năm Ất hợi - 1875), thể hiện cái nhìn lạc quan, tự hào trước cảnh vua tôi nhà Nguyễn đón mừng ngày mồng một Tết:

Tam triêu khí tải thục
Tường quang mãn đế cư
Nhất niên trưng hưu cát
Quần tinh giai phát thư
Hi nhiên đăng xuân đài
Hồn nhiên lâm Hoa Tư
Đán hề ca phục đán
Quỳ tâm hướng nhật sư


Tạm dịch là:

Ba buổi bình minh dịu mát trời
Cung vua sáng đẹp khắp nơi nơi
Điềm lành hiện rõ trong năm mới
Muôn vật bừng lên vẻ tốt tươi
Hớn hở đài xuân vua ngự lên
Hòa cùng quan lại xếp hai bên
Sáng nay, ta hát một ngày trọn
Hoa quỳ theo bóng mặt trời nghiêng


Ông không che giấu được niềm tự hào khi tháp tùng nhà vua đi duyệt quân ngoài cửa Thuận An. Khí thế hùng mạnh của quân đội triều Tự Đức, dưới đôi mắt nhà nho Nguyễn Văn Tường, tưởng như có thể nuốt cả sao Ngưu, sao Đẩu. Bài Hạnh Thúy Vân sơn (Vua ngự giá núi Thúy Vân) nói lên tâm trạng ấy:

Phùng kim hạ ngũ nguyệt
Tích dư nguyệt phục viên
Thiên tử mệnh duyệt vũ
Chu sư hàm tỉ kiên
Triêu phát Hương giang tân
Tiền hậu như thiền liên
Vãn khai Thuận Trực áp
Điều điều vân thủy thiên
Vạn trạo phù trung lưu
Quân khí mộ ích kiên
Chu khinh phong tự sinh
Phong vị thủy tự liên
Thúy Vân tiệm giáp cận
Ngật lập như trữ diên
Đăng hoa thủy tạ mãn
Nhiêu tử nghỉ lâu thuyền
Tiên trượng quang như họa
Bồng đảo bất tiêu thiền.


Tạm dịch là:

Nay tháng năm mùa hạ
Còn dấu xưa trăng tròn
Vua ban lệnh duyệt quân
Lính chen vai thích cánh
Bến sông Hương buổi sáng
Trước sau quân nối liền
Chiều mở đập Thuận Trực
Trời mây nước nghiêng nghiêng
Vạn mái chèo lướt sóng
Ba quân thế oai hùng
Gió đưa, thuyền nhẹ lướt
Mặt nước im như gương
Gần đến núi Thúy Vân
Đứng hiên ngang chào đón
Thủy tạ đầy đèn hoa
Cập bến chèo khua rộn
Gươm bụt tiên, sáng như tranh
Nét thiền nguyên vẻ đảo xanh non Bồng.


Từng là tán lí quân vụ Bắc Kì, Nguyễn Văn Tường gắn liền cuộc đời mình vào những hoạt động tiễu trừ giặc Khách, vỗ an đời sống nhân dân biên giới Đông Bắc. Ông coi công tác tiễu phỉ là công tác hàng đầu. Bài Nguyên đán tảo cứ Quảng Yên tuần phủ Hồ Trọng Liễn mã đệ triệp tự quan binh đạp bình Phù Long phỉ sào nhân chí kì sự (Sáng mồng một Tết xem tờ trình của tuần phủ Quảng Yên Hồ Trọng Liễn [Đỉnh] đưa về bằng ngựa thuật chuyện quan binh dẹp tan ổ phỉ ở Phù Long, nhân đó mà ghi lại việc ấy) thể hiện một cách sâu sắc lòng ưu dân, ái quốc của ông. Bài thơ có những đoạn:

Thanh tướng lưỡng lâm vô thốn hiệu
Đạn nan chung thị di khấu sao
Kình nguyệt thố quật xuất một gian
Niên lai biên manh khổ sao náo...
... Chu sư ninh hoãn tiêm cừ khôi
Phù Long nhất cổ thiên hiểm thôi
Tướng biện dụng mệnh vô kiên địch
Thanh linh hách trạc vũ công khôi
Kỉ công hựu thích hành khánh điển
Phàm bách nhung thần thị chi miễn
Thùy vị ba đào bất khả khai
Vạn lí trùng dương tương tận quyển...


Tạm dịch là:

Tướng Thanh hai lượt qua, công cốc
Ngại khó, không dẹp được cướp bóc
Bọn chúng chui nhủi trong hang sâu
Biên cương, dân lành chịu tang tóc...
... Quân ta giết hết lũ cầm đầu
Phù Long, hồi trống sạch như lau
Tướng sĩ quên mình, không sợ giặc
Tiếng tăm hiển hách, võ công cao
Ghi công lại đúng dịp lễ mừng
Võ tướng trông vào gắng sức chung
Ai bảo sóng to không phá được?
Cuốn trôi ngàn dặm sạch trùng dương...


Thơ Nguyễn Văn Tường là thơ của một trọng thần. Cái gì đem lại niềm vui cho đất nước, cho nhân dân, cho nhà vua cũng khiến cho ông phấn khởi, sung sướng. Thơ của ông có cái nhìn lạc quan, tin tưởng đến lạ lùng. Bài Hà Trung đạo trung tác tỏ rõ khí tượng của một trọng thần:

Thập lí huân phong phất hạm kinh
Giang sơn toàn bức nhãn tiền trình
Quần phong nam củng thần kinh tráng
Chúng thủy đông triều hải lượng hoằng
Tuần nhạc, cửu đồng chiêm Thúy Lĩnh
Thao sư, hà tất tạc Côn Minh
Thần du tận thị ưu dân kế
Đáo xứ hương bồn hiệp đạo nghinh.


Tạm dịch là:

Mười dặm ru thuyền gió mát qua
Mắt nhìn toàn cảnh núi sông ta
Hùng thay ngàn núi nam chầu hết
Đẹp quá trăm sông biển đông hòa
Thúy Lĩnh lâu nay thường đến đó
Côn Minh hà tất dẫn quân qua
Lo dân, hoàng thượng lên thăm viếng
Hương án bày ra khắp mọi nhà.


Điểm son đẹp nhất trong thơ ca Nguyễn Văn Tường chính là tấm lòng trung quân ái quốc. Đó là tấm lòng của một nhà nho tiến bộ, một ông quan tận tụy với công việc, một bề tôi trung biết mình đang ăn lộc của ai và phải làm gì cho vua, cho nước. Tấm lòng ấy khác hẳn với thái độ ngụy tín của một số quan lại bàn giấy cầu an triều Tự Đức. Chúng ta hiểu tại sao Nguyễn Văn Tường trở thành nhân vật chính trong phái chủ chiến Triều đình Huế khi thấy quân Pháp liên tiếp thực hiện những thủ đoạn xâm lược đất nước ta, dày xéo nhân dân ta và vũ nhục Triều đình Huế. Cuộc binh biến 1885 đã nổ ra ngay trong kinh đô Huế. Quân ta thất bại trước vũ khí, khí tài và thế lực của quân Pháp. Vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết phò ra Tân Sở. Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, quan thượng thư Bộ Hộ Phạm Thận Duật và ông Tôn Thất Đính, cha của Tôn Thất Thuyết, bị đày ra Côn Đảo, sau đó bị đày qua đảo Tahiti. Ông Phạm Thận Duật chết trên đường đi; ông Nguyễn Văn Tường, ít lâu sau, ông mất, thân xác được đưa về an táng tại quê nhà.

Cuộc đời của ông Nguyễn Văn Tường là cuộc đời của một nhà nho hành động. Thi ca của ông bộc lộ được một phần con người hành động đó. Ông đúng là cây tùng, cây bách trong Triều đình nhà Nguyễn và phái chủ chiến, dù chỉ khiêm tốn nhận mình như một cây xà nhỏ:

Khẳng tác nhân gia tiểu giác lương.

V.Đ.S.B.

(Trích từ “Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập”, do Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh, Vũ Đức Sao Biển sưu tầm, giới thiệu, phiên âm, dịch [mới 45 bài], tư liệu Hội nghị khoa học, 20. 6. 1996, do Trường ĐHSP. TP.HCM. chủ trì và ấn hành, từ tr. 14 đến tr. 22).


(*) Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu (nnc.) văn học.


(1) Hơn chín năm, theo lời của chính Nguyễn Văn Tường đã được ghi trong ĐNTL.CB., tập 30, sđd, tr. 172: 1853? - 1862?. Chưa kể gần hai năm, từ tháng mười Bính dần đến tháng bảy Mậu thìn (7. 11 - 7. 12. 1866 đến 18. 8 - 15. 9. 1868), Nguyễn Văn Tường trở lại Thành Hóa (Cam Lộ, Quảng Trị) làm bang biện, sau vụ Đoàn Trưng; không phải vì lí do liên can, mà vì cuộc khởi nghĩa Chày Vôi này nổ ra trong địa bàn trách nhiệm, và cũng theo sự tự nguyện từ chức của ông (1864), khi Tự Đức cho tiến hành việc xây dựng “Vạn Niên cát địa”, đồng thời cũng vì khát vọng xây dựng chiến khu Tân Sở (Cam Lộ) để chuẩn bị kháng chiến (ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 87 và 238; xem thêm chú thích (16), bản dịch nghĩa bài thơ số 56).

[Xin lưu ý: chú thích (16) của bản dịch nghĩa bài thơ số 56, có đoạn trích từ ĐNTL. CB, tập 30, sđd., số trang nói trên].

(2) Xin xem chú thích (1), (2), (4) của bản dịch nghĩa bài thơ số 14, sách này.

Không có nhận xét nào: