Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

3. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886) -- THƠ -- VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI, TÂM HỒN & TƯ TƯỞNG / tệp 3

TÌM HIỂU CHỦ TRƯƠNG
CỦA NGUYỄN VĂN TƯỜNG
SAU CUỘC BINH BIẾN ẤT DẬU (1885)


Gs. Đoàn Quang Hưng



Từ triều Minh Mạng trở đi, nhà Nguyễn phải đối phó với hai vấn đề lớn:

1. Những cuộc nổi dậy ở trong Nam (Lê Văn Khôi) và ngoài Bắc (Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân... rồi Tam Đường, Châu Chấu, Ngô Côn và bọn thổ phỉ Tàu...).
2. Âm mưu xâm lược của Pháp.

Từ triều Tự Đức, một nhân vật đã có những hoạt động trực tiếp liên hệ đến những biến cố trọng đại thuộc hai lãnh vực trị an và ngoại giao, đó là ông Nguyễn Văn Tường. Trong tình hình phức tạp của đất nước, trong giai đoạn vô cùng khó khăn ấy, có lúc ông tích cực tham gia kế hoạch chung của Triều đình, có lúc ông đóng một vai trò quyết định; có lúc ông thành công trong nhiệm vụ được giao phó, cũng có lúc ông thất bại, thất bại đến phải bị lưu đày và chết trong vòng lao lí nơi đất khách.

Gặp gian truân ngay từ thuở thiếu thời, cuộc sống đầy sóng gió của ông thật đáng cho ta suy gẫm vì nó gắn liền với lịch sử của dân tộc. Nhưng tiếc thay, do những điều kiện lịch sử của một thời, chúng ta chưa hiểu rõ ông, chưa đánh giá đúng mức con người và sự nghiệp của ông. Trong bài này, chúng tôi không có tham vọng làm sáng tỏ đôi điều bí ẩn, đính chính một số nhận xét phiến diện vì sử dụng những tài liệu của thực dân Pháp, những lời xuyên tạc có ác ý vì khác lập trường chính trị, mà chỉ cố gắng tìm hiểu chủ trương và thái độ của ông sau biến cố Ất dậu (1885).

Ông bắt đầu phục vụ tại Thành Hóa (sau được đổi tên là Cam Lộ), một huyện thuộc vùng rừng núi tỉnh Quảng Trị. Trong tám năm (1) tại chức, ông thực hiện kế hoạch khai hoang, di dân lập ấp và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Kinh Thượng định cư và làm ăn buôn bán. Nhờ thành quả thu được ở Thành Hóa mà năm 1864, khi giữ chức phủ doãn Thừa Thiên, ông còn kiêm nhiệm thêm chức khuyến nông sứ Thừa Thiên và Quảng Trị. Nhưng quan trọng hơn, chính những năm tháng ở Thành Hóa đã giúp ông nhận rõ vị trí chiến lược quan trọng của vùng này để về sau đề nghị xây dựng tại đây căn cứ kháng chiến Tân Sở.

Sau cuộc nổi loạn [đảo chính – nbs.] Chày Vôi do Đoàn Trưng và Đoàn Trực khởi xướng ở kinh thành, ông bị cách chức phủ doãn và trở về Thành Hóa để phụ trách việc mở mang vùng sơn cước này. Nhưng rồi bọn giặc Khách đánh phá mạnh ở Bắc Kì, ông được điều động ra Bắc làm tán lí quân vụ, phụ tá cho tướng quân Hoàng Kế Viêm. Trong bảy năm (2) liên tiếp ở trong quân ngũ, ông đã thâu thập được những kiến thức quân sự và kinh nghiệm chiến trường rộng rãi, đồng thời nhận định rõ thực lực của quân đội ta. Cũng như bản tấu sau khi từ Nam Kì về (1868), trong những bản tấu gửi từ Bắc Kì về cho nhà vua, ông đưa ra những nhận định xác đáng và những đề nghị thực tiễn. Ông đã từng nhấn mạnh rằng: “Từ xưa, muốn cho nước mạnh, phải chú trọng đến binh lực” và đề nghị đặt nghĩa thương để dành binh lương, bắt dân dõng bảo vệ làng xóm... Trên nhận định căn bản rằng: “Không lo bọn giặc ngang ngược, chỉ lo ta không thể tự cường, không lo bọn giặc tham tàn, chỉ lo ta không thể tự giữ”, ông nêu các câu hỏi: “Kinh sư là đất căn bản, đồn lũy đã vững chăng? Khí giới đã tinh chăng? Chí quân, lòng dân đã được khích lệ chăng? Đường bộ, đường thủy đã vững khắp chăng? Quân lương, binh lính làm thế nào cho tinh và đủ? Hào mục sĩ dân làm thế nào cho chuyên luyện? Nơi nào hiểm yếu cần phải giữ, phép phòng thủ nào tất vững?...” (3).

Cũng trong thời gian quân thứ, ông đã có dịp thảo luận với các tướng lãnh có trách nhiệm bảo vệ và bình định Bắc Kì như Hoàng Kế Viêm, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm... và tường trình cho vua Tự Đức, theo chính lời yêu cầu của nhà vua, những nhận xét của ông về những nhân vật này để nhà vua theo dõi và sắp đặt nhân sự; nhiều lần, ông qua Tàu để thương nghị với đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài về việc hợp tác giữa hai nước Hoa – Việt để tiễu trừ bọn thổ phỉ ở vùng biên giới. Kết quả là Phùng Tử Tài đem quân 26 doanh sang nước ta để phối hợp với quân ta mà hội tiễu. Những văn thư ngoại giao ông gửi cho nhà đương cuộc Trung Hoa về sau được tập trung lại thành tập Việt – Trung giao thiệp.

Cho nên, nắm vững tình hình quân sự, ông chủ trương một cuộc kháng chiến trường kì với thực dân Pháp: củng cố binh lực, cải tiến vũ khí, huy động dân chúng, tăng cường hệ thống sơn phòng, xây dựng chiến khu Tân Sở, liên kết mọi phong trào kháng chiến từ Bắc đến Nam và phát động phong trào Cần vương... Tất cả những hoạt động quân sự ấy, ngoài mục đích mưu chiến, còn có tác dụng hậu thuẫn cho chính sách ngoại giao đối với Pháp và củng cố địa vị của nước ta trên bàn hội nghị.

•*•


Là một người có kiến thức sâu rộng (ông hiếu học từ thuở thiếu thời), và mưu lược, lại có nhiều kinh nghiệm về quân sự và ngoại giao, ông nêu rõ lập trường trong một bản tấu đệ trình nhà vua năm Tự Đức thứ 21 (1868): “Chiến rồi mới thủ được, thủ rồi mới có thể hòa được...Hòa để mưu giữ, giữ để mưu chiến mới hợp cơ nghi... Cái hòa ngày nay thực là ngược với lời bàn của dân chúng”.

Biết rằng lòng dân không muốn “hòa”, từ năm [1864, 1866 – nbs.] 1868, ông chủ trương kháng chiến. Nhưng vì quân ta thua sút quân địch về vũ khí, trong một giai đoạn nhất định, ta phải nỗ lực giữ vững đất nước đồng thời điều đình với Pháp. Và giảng hòa chỉ có mục đích tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng quân sự hầu tiếp tục kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Tóm lại, hòa để thủ và thủ để mưu chiến, và chủ hòa (4) trong toàn bộ chiến lược của ông, không phải là đầu hàng. Giữa hòa và chiến, theo quan niệm của ông, có một sự liên hệ trực tiếp, mật thiết và hữu cơ.

Như vậy một khi chính sách đã được minh định rồi, thì dù vì nhu cầu ngoại giao của giai đoạn, vua Tự Đức muốn hòa hoãn, có lúc Hoàng Kế Viêm vẫn tiếp tục huy động quân đội để gây áp lực với Pháp. Và cũng vì trong lúc điều đình, ông Nguyễn Văn Tường vẫn chủ trương kháng chiến nên người Pháp nói rằng ông là “kẻ thù lớn nhất của người Pháp” và mưu loại ông ra khỏi chức vụ ở Thương bạc viện và Cơ mật viện.

Công cuộc kháng chiến của dân chúng, của phong trào Cần vương tạo điều kiện cho việc thương thuyết. Nếu Pháp không thuận theo những điều kiện của ta thì dân chúng vẫn tiếp tục chiến đấu và ta không chịu trách nhiệm về những biến động xảy ra. Đó là luận điệu mà ông Nguyễn Văn Tường sử dụng để yêu cầu Philastre trả lại các thành Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương sau khi Françis Garnier bị giết: “Nay đại úy Francis Garnier chết, hoặc là bị giặc giết, hoặc là vì dân nổi lên làm loạn, việc ấy ta chưa rõ. Huống chi trả thành lại để định hòa ước cho xong, đó là lệnh của quý súy phủ; mà thu lấy thành rồi mới nghị hòa, ấy là lệnh của bản quốc. Còn như việc Hà Nội giết đại úy Francis Garnier thì cũng như đại úy Francis Garnier giết ông Nguyễn Tri Phương, việc đó xuất ư ý ngoại, chứ có phải lỗi của chúng ta đâu...” (5).

Chúng ta vừa đánh vừa đàm. Trong cuốn sử liệu “Hồ sơ vua Duy Tân”, tác giả Hoàng Trọng Thược nhận rõ điều ấy: “Hai ông (Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết) triệt hạ hết các nhân vật phe chủ hòa, và huy động việc kháng chiến từ Trung ra Bắc. Do đó, ta thấy khâm sai Hoàng Kế Viêm trở ra hoạt động tại Tây Sơn, Trương Quang Đản ở Bắc Ninh, Tạ Hiển ở Nam Định, Phạm Vũ Mẫn, Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Thiện Thuật ở các tỉnh khác. Các ông này, đều là các quan văn võ cao cấp của Triều đình Huế, nhiệt liệt hưởng ứng lời Hịch Cần vương (6). Bị Pháp phản đối nhiều lần, lại thêm thất trận nặng nề, nên có phen họ Hoàng và họ Trương phải về kinh, nhưng vẫn không phải là Triều đình đã thay đổi chính sách, vì lúc này ông Tường vẫn ngoại giao khéo léo với Pháp, để ông Thuyết ngầm tổ chức kháng chiến...”.

•*•


Ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (05. 7. 1885), trong lúc Pháp đang khao thưởng quân đội thì vào một giờ đêm, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn cho bắn một phát đại bác làm hiệu để tấn công đồn Mang Cá và Sứ quán Pháp. Quân Pháp giữ thế thủ để chờ sáng. Khi mặt trời lên họ bắt đầu phản công, bắn phá và giết hại quân ta rất nhiều. Nhiều nơi trong hoàng thành và cung điện bị phá hủy. Quân ta chống không nổi, bị vỡ. Tác giả Hoàng Trọng Thược kể lại: “Nguyễn Văn Tường thấy thế nguy liền vào Nội yêu cầu nhà vua xuất cung. Hữu quân Hồ Văn Hiển phò giá, đầu giờ thìn ra cửa Tây Nam. Từ Dũ thái hậu ủy Tường ở lại lo việc giảng hòa. Thuyết chạy theo kịp, còn chừng trăm người...”.

Như vậy, sau khi cuộc chiến đấu của quân ta thất bại vào buổi sáng 23 tháng 5, chính Nguyễn Văn Tường đã chủ động thỉnh Tam Cung lên đường ra chiến khu Tân Sở (*), và ông chỉ ở lại kinh sư theo lệnh của bà Từ Dũ. Kế hoạch lúc ấy là ủy nhiệm ông Tường điều đình với Pháp để cho ông Thuyết có thời gian chỉnh đốn lại lực lượng kháng chiến, đồng thời ngăn chặn không cho những kẻ thân Pháp đứng ra nắm lấy chính quyền và dễ dàng chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Cả trong thời gian bị lưu đày tại Tahiti, ông viết: “Giảng hòa đã 3 năm mà bổn quốc chưa từng học được một nghề, tập được một tên lính, mà nay mất một tỉnh, mai mất một thành, hai bên chưa thỏa hiệp. Thiểm cũng đã liệu biết có việc ngày nay nhưng không biết làm sao đặng...” (bản dịch từ Hán văn của Nguyễn Hy Xước) (7).

Nhưng đã hiểu rõ thực dân Pháp như vậy, tại sao ông Tường vẫn muốn điều đình? Có người cho rằng ông Tường không ngờ Pháp đã chuẩn bị sẵn những con bài thân Pháp như Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Thân... và không bao giờ chấp nhận “kẻ thù lớn nhất của nước Pháp”. Chúng tôi nghĩ rằng ông Tường hiểu rõ tình hình và nhất là biết rõ con người của Nguyễn Hữu Độ vì Độ đã từng làm việc ở Thương bạc viện. Nhưng ông đã chấp nhận mọi khó khăn của tình thế và khởi động một cuộc chiến tranh chính trị và ngoại giao để Pháp không lập nổi một triều đình thân Pháp. Nguyễn Hữu Độ, được Pháp phong làm kinh lược sứ Bắc Kì, được De Courcy gọi về Huế sung vào Viện Cơ mật, nhưng vì không hợp ý với Nguyễn Văn Tường [bởi ý Độ là ý Pháp – nbs.] nên [Độ] lại trở ra Bắc Kì (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. [?], tr. 326). Điều đình cũng có mục đích, như đã trình bày ở trên, giúp cho Tôn Thất Thuyết có thì giờ chấn chỉnh và phát triển binh lực. Mà thế lực của ông Thuyết có mạnh thì ông Tường mới có điều kiện thương thuyết với Pháp. Pháp cũng biết như vậy, nên phải đày ông đi xa để có thể lập một Triều đình gồm những người do Pháp chọn. Trước đó, Pháp đã muốn mua chuộc ông, nhưng không thành công. Theo Nguyễn Đắc Xuân, Pháp muốn lập ông lên làm một ông vua bù nhìn, nhưng ông đã từ chối. Khi đưa ông cùng các ông Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính xuống tàu lưu đày, khâm sứ De Champeaux thông báo cho dân chúng biết: “Văn Tường đã chống cự nước Pháp nhiều năm. Từ khi cùng với Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chánh, chính ông ta đổng suất quan quân nổi dậy công kích quân binh nước Pháp...”.

Ông cũng biết rằng Pháp luôn luôn xem ông là một kẻ thù cần phải tiêu diệt. Ông cũng lượng trước những khó khăn, trở ngại mà ông sẽ gặp phải từ phía những người thân Pháp. Nhưng ông đã chấp nhận làm tròn nhiệm vụ cho đến phút cuối cùng và để cho “ngàn sau luận”. Trong những ngày lao lí, ông nhận hết trách nhiệm của hành động mình, tiếc cho đại sự không thành và chỉ biết cùng xã tắc mà mất còn. Cũng trong lá thư gửi thống đốc Tahiti, ông viết: “Làm đại thần mà không biết tiên cơ trù liệu để đến nỗi có việc ngày nay... Nếu thống đốc đem lòng giận mà sinh ra sự tình gì nữa thì thân này cùng xã tắc mất còn...” (7).

Ông quan niệm rằng cuộc binh biến Ất dậu chỉ là một thất bại quân sự nhất thời và cuộc chiến đấu để bảo vệ nền độc lập quốc gia vẫn còn tiếp tục. Nếu kế hoạch của ta thành tựu, nếu vua Hàm Nghi không bị bắt vì một sự phản bội và cuộc kháng chiến vẫn kéo dài ở Trung và Bắc Kì với phong trào Cần vương, và nếu ông Tường vẫn nắm giữ Triều đình ở Huế thì Pháp không dễ dàng áp đặt chế độ thực dân.

Ông tin tưởng rằng ông có khả năng thay đổi tình thế và đem lại thắng lợi cho Đất Nước. Nhưng ông đã thất bại, một phần vì thái độ nóng nảy, hống hách và đa nghi của De Courcy, người đã từ chối không xem thư giải thích của Tôn Thất Thuyết (7), không nhận quà tặng của bà Từ Dũ, và về sau này gây thêm nhiều khó khăn cho tình hình đến nỗi phải bị triệu hồi về Pháp và để cho Paul Bert sang thay. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản in năm (?), trang 328 và 329).

•*•


Trong một giai đoạn cực kì khó khăn, ông Nguyễn Văn Tường đã nhận lãnh trách nhiệm của một kẻ sĩ, của một đại thần, chịu hy sinh thanh danh và thân thế để đánh một ván bài quyết định. Lịch sử đã ghi nhận những công lao của ông trong sự nghiệp xây dựng đất nước và kháng chiến chống Pháp. Những người đã từng cộng tác với ông cũng hiểu rõ hành động, thái độ và tâm sự của ông. Họ xót xa cho hoàn cảnh của ông: khi nhắm mắt nơi phát vãng, ông không thể giãi bày nỗi lòng của mình, mặc dù ông đã phó mặc cho lịch sử phê phán [phán xét] ông. Khi được tin ông mất, kịch tác gia Đào Tấn là người, theo gợi ý của ông Tường, đã xin về hưu sớm khi mới đến lứa tuổi từ tuần để phụ trách công tác Cần vương phía nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) đã viếng ông hai câu đối:

Quốc kế thi phi lân sử định
Thiên phương sinh tử nhạn thư điêu
[diêu?] (8)

Kế nước đúng sai trang sử quyết
Phương trời sống chết cánh hồng chao.
(Tôn Thất Mạnh Hào dịch).

Trong thời Pháp thuộc, khi viết về giai đoạn chống Pháp dưới triều Nguyễn, do hoàn cảnh chính trị, sử gia Trần Trọng Kim thường tỏ ra dè dặt và thiếu khách quan. Về sau Phan Khoang và Phạm Văn Sơn, trong những điều kiện thuận tiện về tư liệu, đã có những nhận định đúng đắn hơn, tuy vẫn còn chịu ảnh hưởng của những tài liệu do Pháp để lại. Gần đây, với sự thụt lùi [, một trong những thao tác sử học để nhìn nhận đúng hiện thực lịch sử – cụ thể ở các mốc – nbs.] của thời gian, với những tư liệu mới phát hiện, những nhà nghiên cứu ở quốc nội cũng như ở hải ngoại mới khách quan tìm hiểu chủ trương và hành động của phe chủ chiến và riêng về Nguyễn Văn Tường. Họ gạt bỏ những luận điệu xuyên tạc hàm hồ, phê phán những tài liệu thiên vị hoặc dối trá, và làm sáng tỏ một số sự kiện, chẳng hạn như giai đoạn “tứ nguyệt tam vương”. Quan trọng hơn nữa, họ căn cứ vào những châu bản mới tìm lại được (Bắc Kì tấu nghị, Nam Kì tấu nghị, Thương bạc viện phúc, Việt Trung giao thiệp...) để tìm hiểu thêm về Nguyễn Văn Tường và chủ trương của ông. Nhờ đó chúng ta có đủ điều kiện để đánh giá đúng mức một nhân vật lịch sử đã có những ảnh hưởng lớn trong một giai đoạn lịch sử rối rắm. Đây đúng là trường hợp mà chúng ta khách quan nhìn lại một thời đã qua và tái tạo bộ mặt thật của quá khứ.

Đ.Q.H.

(Trích từ tập khảo luận: Kỉ yếu Hội nghị khoa học, 20.6.1996, với đề tài “Nhóm chủ chiến trong Triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường ĐHSP. TP.HCM. [chủ trì] ấn hành, từ tr. 99 đến tr. 104).



(*) Thực ra là tên Khiêm lăng (chú thích này của BBT. ĐHSP. TP. HCM.).
Xa giá lên thẳng chùa Linh Mụ. Xin xem bản đồ ở cuối sách.

(1) Hơn chín năm (ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 172), từ 1853 đến 1862 (?); (1853, mới đặt chức tri huyện ở Thành Hóa).

(2) Từ tháng 7 Đinh mão đến tháng 5 Nhâm thân (8. 1868 - 6.1873): kém hai tháng là tròn 5 năm (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 238; tập 32, sđd., tr. 293).

(3) Đây là bản tấu tháng 3, Đinh mão (4.1868), Nguyễn Văn Tường từ huyện Thành Hoá, tỉnh Quảng Trị về triều, trình bày nhận định và quan điểm của mình. Bấy giờ ông được vua Tự Đức trao chức trách bồi sứ, vị trí thứ ba trong sứ bộ, chuẩn bị vào Nam Kì) (ĐNTL.CB, tập 31, tr. 202 - 204).

(4) Thủ hòa, không phải là chủ hòa (chủ “hòa”).

(5) Theo thiển ý, chúng tôi cho rằng Gs. Đoàn Quang Hưng sẽ vận dụng sách lược này để phân tích bức thư gửi thống đốc Tahiti ở những trang sau; và gần cuối bài, Gs. kết lại nhận định về bức thư ấy bằng câu đối của Đào Tấn. Xin xem hai chú thích (7) và (8), bài này.

(6) Đây là Hịch Cần vương trước cuộc Kinh Đô Quật Khởi 23 tháng 5 Ất dậu (ngày 5 tháng 7, 1885). Dụ Cần vương chính thức ban hành tại Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị), ngày 02 tháng 6 Ất dậu (13 tháng 7 năm 1885). Hịch Cần vương mà Hoàng Trọng Thược nói đến, người ta quen gọi là Lệnh dụ Văn thân (1883).

(7) Chúng tôi có nhiều cứ liệu để cho rằng bức thư này đã bị sửa chữa, hoặc là bức thư giả mà ông Tiểu cao Nguyễn Văn Mại (tác giả “Lô Giang tiểu sử'') cũng không rõ thực hư thế nào. Đó là bức thư thể hiện ý thức trách nhiệm, lòng trung với nước, hiếu với nhà, “sẵn sàng cùng xã tắc mất còn”, dẫu có chết cũng chẳng tiếc gì, thế cũng hết trách nhiệm, nếu De Courcy đem lòng giận, gây ra sự tình gì nữa. Tuy nhiên, trong bức thư vẫn có đoạn phủ nhận việc Nguyễn Văn Tường vạch kế hoạch cùng Tôn Thất Thuyết tổ chức cuộc Kinh Đô Quật Khởi (23.5 Ất dậu, 1885). Ngoài ra, lại có đoạn được viết với ý: Nguyễn Văn Tường rất khổ tâm vì đành chịu chấp nhận “hợp lực đồ duy”, xây dựng đất nước Việt Nam với người Pháp, mà “vạn nhất bất hành” (cái muôn một [đầy mỉa mai ấy] cũng chẳng thực hiện được!). Một người kiên định chống Pháp, không chấp nhận “bảo hộ” như Nguyễn Văn Tường không thể “đeo đuổi theo quý quốc để hợp lực đồ duy” (cho dẫu rất khổ tâm) được! Xin xem câu đối của Đào Tấn mà Gs. Đoàn Quang Hưng trích dẫn, và bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” của Trần Xuân An (tức là bài “Vài chủ điểm sử học sơ lược cần thiết khi cảm nhận bài “Giải triều …””).

(8) Có người cho là của Vũ Tử Văn (người Quảng Trị). Có lẽ Đào Tấn ốm hoặc bận việc khẩn, nhờ Vũ Tử Văn đi điếu với ý phủ nhận bức thư nói trên, và phủ nhận cả việc Pháp đưa tin Nguyễn Văn Tường chết vì bịnh ung thư cổ họng, mà phỏng đoán chết vì lẽ khác. Sự phỏng đoán ấy có thể do câu: “Ngày nay vô cớ gặp sự không may, vạn nhất bất hành, không thu được hài cốt...” trong thư gửi thống đốc Tahiti, vốn cho là của Nguyễn Văn Tường viết. “Vạn nhất bất hành”: muôn một mà không chết (?). Về các từ ngữ: Hai chữ “lân sử” có nhắc đến ở lời tâu của Quốc sử quán triều Nguyễn; lời tâu này cũng là lời tựa Đại Nam thực lục, chính biên, tập 36 (sđd., tr. 9). “Lân sử” là tên gọi Kinh Xuân thu của Khổng Tử (còn gọi là “Lỗ sử”), (sđd., tr. 7). Đó là bộ sách điển hình của tín sử. “Nhạn thư”, lấy từ điển: Tô Vũ, tướng triều Hán, Trung Hoa, bị Hung Nô bắt đày, chăn dê. Tô Vũ buộc thư vào chân chim nhạn. Hán Võ Đế nhận được, biết Tô Vũ còn sống và yêu cầu Hung Nô tha cho Tô Vũ về (Bửu Kế, Từ điển từ ngữ tầm nguyên, Nxb. Trẻ, 2000, tr. 609 - 610 và 599). Chữ “điêu” trong từ ghép “điêu trá”; trong câu đối trên, có nghĩa là thư viết về Nguyễn Văn Tường còn sống hay đã chết và chết do đâu chỉ là bức thư giả, biạ đặt (8*). Nhà thơ tam nguyên Nguyễn Khuyến, người chịu thua non, đầu hàng sớm (1884), đã tự trào trong mặc cảm vô trách nhiệm về việc “chạy làng” khi ván cờ lịch sử “đang dở cuộc”, “không còn nước”, về sau cũng đã viết trong bài Xuân nguyên hữu cảm: “Hữu cừu, vị cảm độc Xuân thu” (có [mặt] kẻ thù, chưa dám đọc lân sử), với ngụ ý như Đào Tấn.

(8*)Bị chú cho chú thích (8): Vì không có văn bản nguyên văn chữ Hán (mặt chữ cụ thể), chỉ căn cứ vào bản phiên âm và phép tiểu đối trong cặp câu song thất trên, có thể hiểu nhiều cách. Tuy nhiên, chung quy là cách nào thì chữ “điêu” (hoặc “diêu”) cũng là động từ (đối về từ loại với chữ “định” [động từ “thẩm định”}); đồng thời, các nghĩa không khác nhau, do ngữ nghĩa trong văn cảnh cụ thể quy định. Một là, chữ “điêu” trên còn được đọc là “điệu”: mỏng mảnh; hoặc âm khác là “diêu”: làm chậm trễ [Thiều Chửu, HVTĐ., sđd., tr. 22]. Hai là, có người hiểu chữ ấy là “diêu” ([Thiều Chửu, HVTĐ., sđd., tr. 761 chứ không phải “điêu”) có nghĩa là vật vờ trong gió như tin đồn khó xác thực (và vì Đào Tấn đang ở xa [theo Nguyễn Mạnh Hào]). Ba là, cũng có thể đoán, đó là một chữ có âm khác là “miểu”, “diểu” trong từ ghép “phiếu diểu”, sđd., tr. 351, 422 mà TĐHV. của Đào Duy Anh phiên âm là “diêu” trong từ ghép “diêu mang” (mập mờ khó biết tin) hoặc là chữ “dao” (lay động). Xin lưu ý: Nguyễn Mạnh Hào dịch là “chao” (lá thư bay nghiêng qua nghiêng về trong gió, có nghĩa là không rõ, không xác thực về tình trạng sống, chết của Nguyễn Văn Tường, cho đến khi Tôn Thất Đính được phóng thích để đưa linh cữu Nguyễn Văn Tường về nước). Người biên soạn mong được tham khảo thêm ý kiến. Kết luận: bức thư gửi thống đốc Tahiti được sao chép gửi về là bức thư giả, không xác thực, do cánh chủ “hoà” biạ đặt ra. Ngoài lí do chính là sợ sĩ dân phẫn nộ, điều đó giải thích thêm vì sao trong Đại Nam thực lục, chính biên tập 37 không đề cập đến cái chết của Nguyễn Văn Tường. Xin xem thêm chú thích (3) của bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” [căn cứ vào tư liệu của Delvaux, trong bài “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” (NNBCĐH. [BAVH., 1923], tập X, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, Nxb. TH., 2002, tr. 478 – 485)]. Cụ thể hơn, xin vui lòng xem cuốn khảo luận “Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”” của Trần Xuân An.





NGUYỄN VĂN TƯỜNG
TRƯỚC VÀ SAU VỤ BIẾN KINH THÀNH
HUẾ 05. 7. 1885


Ts. Võ Xuân Đàn (*a)


Trong khoảng thời gian từ 1881 đến 1885, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết luôn được đề cập đến cùng trong một sự việc, cùng trong một thời điểm và cho đến ngày nay hai cái tên ấy vẫn được chúng ta nhắc đến trong niềm trân trọng và kính phục vì nó đã trở thành một biểu tượng của tinh thần và ý thức trách nhiệm đối với dân tộc, với vận nước, với truyền thống “không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà nhiều thế kỉ trôi qua đã chứng minh điều đó.

Về Tôn Thất Thuyết, hầu như chúng ta đã có sự nhất trí cao trong đánh giá trên các mặt: tiểu sử, sự nghiệp và giá trị lịch sử cống hiến của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc những năm cuối thế kỷ XIX.

Riêng Nguyễn Văn Tường, trong vài thập kỉ gần đây chúng ta mới nghiên cứu đánh giá lại trên quan điểm, tư duy mới bằng những tư liệu mới ở trong và ngoài nước. Chính từ đó mà chúng ta có cái nhìn chuẩn xác khách quan, đánh giá đúng mặt cống hiến và [hiểu – nbs.] những gì chưa rõ về Nguyễn Văn Tường.

Nói đến phe chủ chiến trong Triều đình nhà Nguyễn chúng ta muốn nhấn mạnh và công nhận một thực tế lịch sử đó là sự cố gắng cuối cùng [, quyết thể hiện – nbs.] trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc của vua quan nhà Nguyễn trước họa mất nước chỉ còn trong gang tấc.

Nguyễn Văn Tường, một trong những nhân vật thực hiện sứ mạng lịch sử ấy trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, trong một mối tương quan lực lượng hết sức bất lợi cho Việt Nam mà Triều đình [Huế] là đại diện và chịu trách nhiệm trước dân tộc và Tổ quốc.

Nguyễn Văn Tường sinh ngày 14 tháng 10 năm 1824 (*b) trong một gia đình tiểu nông.

Quê quán: xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Do thông minh và hiếu học, năm 18 tuổi, thi hương đỗ tú tài (1842). Vì không phải là hoàng tộc mà mang họ Nguyễn Phước nên bằng cấp bị tước bỏ, không được dự thi suốt đời, Nguyễn Phước Tường phải đổi lại là Nguyễn Văn Tường (1).

Sinh sống ở quê nhà ông vẫn lo dùi mài kinh sử mong có dịp đem tài năng ra phò vua giúp nước. Được vua Tự Đức xóa án sau 8 năm, 1850, Nguyễn Văn Tường thi đậu cử nhân, năm ấy ông 26 tuổi. Ông tự hào về sự kiện ấy: “Khởi đầu tiếc thay, bản án đã không cho tôi thi. Sau được ơn huệ cao cả của hoàng đế tôi đã dự thi và đậu số một” (*c) (2).

Sự nghiệp trung quân, ái quốc của Nguyễn Văn Tường bắt đầu từ đó. Ông được Triều đình Huế trọng dụng vì thông minh, học thức rộng, có tài ngoại giao, quân sự, am hiểu thời cuộc. Trong 36 năm phục vụ trong Triều đình Huế, trải qua các đời vua: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi. Con đường quan lộ của Nguyễn Văn Tường tuy có lúc thăng giáng nhưng nhìn chung ông luôn được Triều đình Huế trọng dụng, tiến cử từ vị trí quan lại thấp đến vị trí quan lại cao. Ông tham gia giải quyết sự vụ khắp các miền Trung – Nam – Bắc của đất nước. Ông từng đảm nhận các chức vụ: làm quan ở huyện (Cam Lộ – Quảng Trị), án sát Quảng Nam, phủ doãn Thừa Thiên, khuyến nông sứ Thừa Thiên - Quảng Trị, viên ngoại lang Bộ Hình, tán lí Bộ Binh, tán lí quân vụ các tỉnh Bắc bộ, phó sứ bộ thương thuyết với Pháp ở Sài Gòn, thượng thư Bộ Hình, Bộ Hộ, Thương bạc đại thần trông coi ngoại giao, ngoại thương, thành viên Viện Cơ mật, đứng đầu hàng phụ chính đại thần, cùng với Tôn Thất Thuyết nắm thực quyền Triều đình Huế trong khoảng thời gian từ 1883 - 1885 dưới bốn triều vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.

Chúng ta có thể nhất trí nhận định rằng từ 1850 đến vụ biến kinh thành 05. 7. 1885 Nguyễn Văn Tường là một đại quan trung quân ái quốc. Ở cương vị được đề cử nào ông cũng làm hết trách nhiệm của mình, cần cù, kiên nhẫn, tự tin và quyết đoán, từ đó mà ông được vua quan, quần thần kính nể:

“Giang sơn xuất vĩ nhân”
(thơ Phạm Phú Thứ).

“Bậc nho tướng, đại trí, thông tuệ, thao lược”
(lời khen của Tôn Thất Thuyết).

Ông được vua Tự Đức tấn phong danh tước “Kỳ Vĩ bá” và rất tin cậy, tìm cách gây thêm ảnh hưởng và tín nhiệm cho thượng thư Nguyễn Văn Tường. Tự Đức đã gả công chúa Đoan Thuận, chị ruột của Ưng Đăng, cho con trai trưởng của Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Văn Tộâ nhằm tạo mối thân tình trong hoàng tộc với gia quyến Nguyễn Văn Tường và để được ông hết lòng phò tá vị vua kế nhiệm là anh em rể với con mình (3).

Và quân xâm lược là bọn tướng tá thực dân Pháp phải khiếp sợ, coi ông là “kẻ thù lớn nhất của người Pháp”, “phải đập ông tan tành”...

Mặc cho Triều đình nhu nhược, ông cương quyết chủ chiến với quân xâm lược Pháp vì hơn ai hết ông hiểu rõ dã tâm của quân Pháp. Trong các bản tấu của ông gửi vua Tự Đức, ông nhắc đến nhiều lần về tâm địa thực dân Pháp: “tham lam, giảo quyệt”, “xảo trá trăm mối”.

Thái độ của Nguyễn Văn Tường đối với thực dân Pháp là bài xích, chống đối, cương quyết đứng về phe chủ chiến trong Triều đình Huế. Chủ trương, biện pháp và hành động của Nguyễn Văn Tường đối với thực dân Pháp là nhất quán. Ông cương quyết cùng Tôn Thất Thuyết chống đối và tiêu diệt kể từ vua trở xuống các đại thần, quan lại, khi biết họ có hành động liên kết, đầu hàng quân xâm lược.

Những tư liệu hiện có về Nguyễn Văn Tường như tấu, cáo, thư, văn do ông viết ra và những tài liệu lịch sử lưu lại của nhiều tác giả trong và ngoài nước đủ để chúng ta đánh giá đúng Nguyễn Văn Tường trên các mặt sau đây:

Về nhận thức của ông đối với quân Pháp: xâm lược, ác độc, tham lam, giảo quyệt. Về chủ trương: cương quyết chống quân xâm lược Pháp bằng những kế sách cụ thể: tích trữ binh, lương, tự cường, tự giữ từ các xóm làng khi quân giặc đặt chân đến, không sợ tham tàn, bạo ngược. Nguyễn Văn Tường chủ trương “bình Tây” nhưng không “sát tà” [“sát tả” – nbs.]. Đây là một chủ trương đúng, góp phần bảo tồn sức mạnh của dân tộc, đoàn kết các bộ phận dân cư để chống xâm lược.

Về hành động chống Pháp của Nguyễn Văn Tường, được ghi nhận khá rõ nét; bản thân thực dân Pháp cũng thừa nhận những hành động chống đối của ông trên nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, chính trị đối với chúng.

Nguyễn Văn Tường được vua Tự Đức giao cho việc xây dựng thành Tân Sở ở Quảng Trị làm căn cứ khi gặp sự biến. Ông tự vẽ kiểu mẫu và tổ chức thi công.

Với cương vị là thượng thư Bộ Hộ kiêm Thương bạc đại thần, ông [– nbs.] được vua Tự Đức giao toàn quyền trong việc giao dịch, đàm phán với người Pháp. Trên phương diện [kinh tế và – nbs.] ngoại giao này, Nguyễn Văn Tường luôn thể hiện là người chống đối thực dân Pháp.

Trong thương thuyết với Pháp, tuy tương quan lực lượng không cân xứng, nhưng Nguyễn Văn Tường, với trách nhiệm của mình, đã khéo léo làm được những điều có thể làm được ngõ hầu mang lại những kết quả trong tình thế khó khăn, bất lợi. Chính kẻ thù đã phải thừa nhận điều này: “Con người dũng mãnh đã làm cho Pháp phải nhả Bắc Kì [...] cũng được coi như có khả năng làm cho Pháp nhả nốt Nam Kì” (thư Rheinart gửi thống đốc Nam Kì, ngày 30. 11. 1881).

Trong quá trình đi đến kí kết điều ước Harmand ngày 25. 8. 1883 và điều ước Patenôtre ngày 6. 6. 1884 mà trong đó có những điều bất lợi cho thực dân Pháp, như điều 5 (điều ước Harmand) và điều 7 (điều ước Patenôtre), làm cho bọn tư bản thực dân ở chính quốc chỉ trích kịch liệt và cho rằng Harmand [lẫn] Patenôtre đều bị Nguyễn Văn Tường đánh lừa giống như ông đã đánh lừa Philastre trước đó gần mười năm để lấy lại các tỉnh Bắc Kì từ tay thực dân Pháp (J.Dupuis, Le Tonkin de 1872 à 1886, Histoire Politique, Paris, Challamel, 1910).

Thực dân Pháp căm ghét ông và tìm mọi cách để Triều đình Huế bãi chức ông, từ đó loại trừ, tiêu diệt ông. Bức thư của Champeaux, đại diện Pháp lúc bấy giờ ở Huế, gửi thống đốc Nam Kì đã chứng minh điều này:

“... Tôi không ngờ việc vận động nhỏ của tôi chống thượng thư đó lại có kết quả nhanh đến thế... Vì thấy rằng không thể mở rộng các mối quan hệ chính trị nếu cứ phải giao thiệp với quan Thương bạc mãi, tôi đã nghĩ phải buộc ông ta từ chức và thay ông ta bằng một người ít chống đối ảnh hưởng của ta hơn... Quan Thương bạc vẫn còn là thượng thư Bộ Hộ và thứ trưởng Viện Cơ mật. Với tư cách sau, ông vẫn còn có thể chống đối chúng ta. Muốn thoát nạn, ta còn phải đập ông tan tành cả ở phía ấy (*d).

Phe chủ chiến trong Triều đình Huế ngày càng lớn mạnh, hầu như làm chủ Triều đình khi vua Tự Đức mất. Sự kiện “tứ nguyệt tam vương” và vụ biến kinh thành 5. 7. 1885, đã minh chứng nhận định này. Trong đó, sự đóng góp của Nguyễn Văn Tường là to lớn và quan trọng, không chỉ chúng ta công nhận mà ngay cỏ kẻ thù cũng phải thừa nhận: “Kể từ năm 1874, trở thành nhân vật ảnh hưởng nhất Triều đình Huế” (năm 1874 Nguyễn Văn Tường kiù với Pháp thỏa ước rút quân ở Bắc Kì và kí hiệp ước 15. 3. 1874) hay: “Khi trở thành đứng đầu phe cứng rắn, chính Tường đã xúi Tự Đức coi thường hiệp ước năm 1874”.

Vụ biến kinh thành Huế đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 đã thành mốc sự kiện đánh giá hai thời điểm trong cuộc đời Nguyễn Văn Tường.

Từ tháng 7. 1885 trở về trước ông là ngôi sao sáng trong hàng ngũ quan chức của Triều đình Huế. Lúc đó ông 61 tuổi, hơn Tôn Thất Thuyết 15 tuổi, ông đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho triều Nguyễn và cho dân tộc trong một bối cảnh lịch sử đầy biến động: sự mất còn của đất nước, cảnh lầm than khổ nhục của dân tộc trong gần 27 năm trên bước đường xâm lược của thực dân Pháp và sự chống trả quân xâm lược ngoan cường của nhân dân không có sự tổ chức và ủng hộ của Triều đình Huế. Sự kiện Nguyễn Văn Tường không cùng Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi lên đường, phát động phong trào Cần vương chống Pháp mà trở lại kinh thành Huế với kẻ thù của dân tộc, của Triều đình và của cả ông, đặt ra cho chúng ta những kiến giải khác nhau.

Đối với bản thân, ông không thanh minh, giải thích sự việc ông ở lại Huế tham gia Triều đình do thực dân Pháp dựng lên mà ông để cho đời sau xem xét, đánh giá: “Thị phi nhiên phó thiên thu luận” (phải trái phó mặc cho ngàn năm sau bàn luận) (4).

Tính từ ngày xảy ra vụ biến kinh thành 5. 7. 1885 cho đến ngày ông bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo, ngày 6. 9. 1885, vừa đúng hai tháng ông sống cùng thực dân ở Huế. Sau đó là cuộc sống lưu đày 10 tháng 25 ngày cho đến khi Nguyễn Văn Tường qua đời tại Tahiti.

Giai đoạn thứ hai của cuộc đời Nguyễn Văn Tường chỉ có 1 năm 25 ngày. Trong đó có 2 tháng thực dân Pháp sử dụng ông cho công cuộc xâm lược của chúng nhưng không thành công.

Hai tháng ở lại Huế của Nguyễn Văn Tường, quãng thời gian ấy đã cách đây [– nbs.] vừa đúng 111 năm; nhưng sự kiện ấy, quãng đời ấy của ông đến nay vẫn cần được làm sáng tỏ để từ đó đánh giá đúng về ông, để hiểu đúng giữa công và tội mà ngót trăm năm trôi quan vấn đề chưa đi đến hồi kết thúc.

Nguyễn Văn Tường trở lại Huế là đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp hay ông trở lại Huế để tiếp tục sự nghiệp của phe chủ chiến theo một đường hướng mới? Hướng mới đó là gì? Đó chính là tiếp tục thương thuyết, điều mà Nguyễn Văn Tường có thế mạnh, có kinh nghiệm, để chờ thời cơ giành lại chủ quyền cho quốc gia, dân tộc. Một bức văn thư của vua Hàm Nghi gửi Nguyễn Văn Tường sau khi nhà vua rời bỏ kinh thành đã nói lên sự thật ấy. Văn thư có đoạn viết:

“... Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng theo liền với ta, khanh là phụ chính đại thần vẫn lưu lại thương thuyết. Kẻ ở, kẻ đi đều là một lòng ưu [quốc] ái [dân], thực có hoàng thiên, hậu thổ xét soi. Khanh nên thể rõ cái thịnh tình của tiên đế giao thiệp với lân bang trước sau như một, mà giảng rõ cho biết sự lợi hại của lí thế, quyền hành, hết lòng thương lượng cho thỏa đáng, phàm mọi điều khoản bức hiếp phải cộng đồng châm chước thay đổi lại...”.

Trong hai tháng ngắn ngủi, Nguyễn Văn Tường đã thực hiện nhiều công việc: ổn định tình hình an ninh trật tự ở kinh thành, tổ chức lại triều chính, trông coi tông miếu, lăng tẩm và Tam Cung. Một văn thư của vua Hàm Nghi gửi hoàng thân quốc thích đã xác nhận những đóng góp trong thời điểm éo le, hiểm nghèo của Nguyễn Văn Tường:

“Nay đã có phụ chính huân thần Nguyễn khanh (Nguyễn Văn Tường) ở lại giảng giải, nghe đâu cũng được nhiều việc, mọi sự hơi được yên ổn. Huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là rất lấy làm khổ tâm. Nhân vật nước Nam ta từ xưa [, những người] trung nghĩa cũng khó hơn được”.

Thực dân Pháp không hề ngộ nhận Nguyễn Văn Tường đầu hàng, cộng tác với chúng.

Bọn quan lại đầu hàng làm tay sai cho thực dân Pháp như: Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Miên Định (5), Ưng Kỉ (6) tố cáo hành động chống Pháp của Nguyễn Văn Tường trước đó, cho ông là kẻ “giả hàng”, “tráo trở”, “ngầm làm việc ám muội” (7).

Sự kiện ngày 06. 9. 1885 khi De Courcy đày ông đi Côn Đảo, rồi đày tận Tahiti cùng với Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính là sự chứng minh đầy sức thuyết phục rằng Nguyễn Văn Tường không phải là kẻ đầu hàng, bán nước, làm tay sai cho thực dân Pháp.

Một sự kiện khác nữa chứng minh cho điều này. Đó là việc thân sinh Tôn Thất Thuyết, người bạn tù với Nguyễn Văn Tường, là Tôn Thất Đính, không quản tuổi cao, sức yếu, đường đi cách biển, ngăn sông, đã mang hài cốt của Nguyễn Văn Tường, người bạn đồng triều, đồng chí hướng với con mình về an táng ở quê nhà. [Các xóm làng ở Cam Lộ đều lập miếu thờ vọng – theo tư liệu của Trần Viết Ngạc – nbs.]. Đó là sự thừa nhận Nguyễn Văn Tường là người yêu nước từ trong tình cảm của nhân dân, của những người cùng chí hướng với ông.

Hai giai đoạn trong cuộc đời yêu nước chống Pháp của Nguyễn Văn Tường trái ngược nhau, nhưng không mâu thuẫn, không khác về bản chất. Vị “nho tướng” ấy, vị phụ chính đại thần, Cần Chánh đại học sĩ, Kì Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường không cần đến ngàn năm để hậu thế luận bàn công – tội, mà trăm năm trước đó và hiện tại hôm nay chúng ta đã từng bước, qua quá trình sưu tập thư tịch, nghiên cứu sự kiện đã đánh giá đúng Nguyễn Văn Tường, con người có tấm lòng trung trinh với nước, với dân, đã có những cống hiến nhất định ở một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc. Công lao ấy, cống hiến ấy xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng gắn liền tên ông với Tôn Thất Thuyết – hai vị đại thần đứng đầu phe chủ chiến trong Triều đình Huế.

V.X.Đ.

(Trích từ cuốn khảo luận: Kỉ yếu Hội nghị khoa học, 20.6.1996, về đề tài “Nhóm chủ chiến trong Triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, do Trường ĐHSP. TP. HCM, [chủ trì] ấn hành, tr. 113 - 118).


(*a) Giảng viên ĐHSP. TP. HCM., nhà nghiên cứu sử học.

(*b) Trần Viết Ngạc: ghi năm sinh 1824.
Phan Trần Chúc: ghi năm sinh 1820.
Tsuboi: ghi năm sinh 1818? (chú thích của Ts. VXĐ., tác giả bài viết).

(*c) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Hội Sử học Việt Nam xb., Hà Nội, 1993, trang 291 (chú thích của Ts. VXĐ.).

(*d) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Hội Sử học Việt Nam xb., Hà Nội 1993, trang 294 (chú thích của Ts. VXĐ.).


(1) Xin xem chú thích (1), (2), (4) bản dịch nghĩa bài thơ 14.

(2) Theo QTHKL., sđd., tr. 297: Nguyễn Văn Tường đỗ với vị thứ 20/48. Theo cách diễn đạt của Y. Tsuboi, thì Nguyễn Văn Tường đỗ đình nguyên (NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 268). Nhưng theo Quốc triều đăng khoa lục, sđd., tr. 183, 189 và tr. 198, Nguyễn Văn Tường có ba lần làm giám khảo thi đình (1875, 1877, 1880), mặc dù chưa đỗ tiến sĩ bao giờ. Chưa đỗ tiến sĩ, nhưng theo vua Tự Đức, ông thuộc hạng bậc thầy của tiến sĩ! Về hai cuốn sách QTHKL., và QTĐKL., đó là hai công trình, theo lời tựa, do một vài người nối tiếp nhau làm, chủ yếu là Cao Xuân Dục; vả lại, sách đã bị sửa chữa, “hiệu đính” do con trai và con rể của Cao Xuân Dục về sau; do đó, có thể có sai sót, nhầm lẫn. Xin đơn cử, cứ như QTHKL., thì Nguyễn Văn Tường có đến hai lần đỗ kì thi hương (1842 và 1850), cả hai lần đều lấy họ Nguyễn Phước, nếu đối chiếu kết hợp với ĐNTL.CB., tập 24, tr. 163 - 165!

(3) Chi tiết này chứng tỏ Nguyễn Văn Tường không mang dòng máu hoàng tộc Nguyễn Phước! Thời Nguyễn không phải là thời Trần! (Quan hệ hôn nhân trong nội bộ hoàng tộc triều Trần có phải là sự thật, ở một đất nước có nền văn hiến lâu đời?).

(4) Trong bài thơ “Giải triều...”, thực ra Nguyễn Văn Tường đã gửi lại cho “thiên thu hậu” hai chữ “nhất dạng” (hoặc “bất nhị”). Hai bản dụ gửi Nguyễn Văn Tường (và cả dụ gửi hoàng tộc) đã khẳng định sự nhất dạng đó. “Kẻ ở, người đi” (chữ trong bản dụ ấy của vua Hàm Nghi [& Tôn Thất Thuyết]), có nghĩa là người đàm kẻ đánh: mặc dù ở hai nhiệm vụ, nhưng cũng chỉ là một, giống nhau, và trước sau không thay đổi lòng dạ. Xin xem bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” (“Vài chủ điểm sử học sơ lược cần thiết khi cảm nhận bài “Giải triều …””).

(5) Thọ Xuân vương Miên Định, giám quốc sau 23. 5 Ất dậu (1885).

(6) Ưng Kĩ lên ngôi vua, lấy hiệu là Đồng Khánh. Ngoài tên Ưng Kĩ, Đồng Khánh còn có tên là Ưng Đường.

(7) Nguyễn Văn Tường với tư cách là vị đại thần cao nhất Triều đình, một nhà chính trị, ngoại giao với tài năng thương thuyết, ở lại Huế để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược, theo phương thức “người đánh, người đàm”.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn).

2. Đại Nam hội điển sự lệ (Quốc sử quán triều Nguyễn).

3. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Yoshiharu Tsuboi).

4. Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim).

5. Vua Hàm Nghi (Phan Trần Chúc).

6. Lịch sử Việt Nam cận đại (Nguyễn Văn Kiệm, Hồ Song, Hoàng Văn Lân, Ngô Thị Chính).

7. Lịch sử Việt Nam tập II (Nguyễn Phan Quang – Võ Xuân Đàn).

8. Các tài liệu do nhà nghiên cứu – giảng viên Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh Trần Viết Ngạc cung cấp.

(Cước chú về “Tài liệu tham khảo” của Ts. Võ Xuân Đàn, tác giả bài viết).

Không có nhận xét nào: